Cơ hội cho lúa gạo

22/09/2022 - 06:57

 - Thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, ảnh hướng lớn đến nguồn cung lương thực. Với vị thế đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có điều kiện canh tác lúa thuận lợi, chỉ mất hơn 3 tháng là có thể sản xuất 1,5 triệu tấn lúa. Nếu các doanh nghiệp chủ động ký trước hợp đồng với đối tác, đặt hàng nông dân, hợp tác xã (HTX) xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát chất lượng, lúa gạo có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, mang lại lợi ích bền vững cho các bên tham gia.

“Vựa lúa” hạn chế xuất khẩu

Những năm qua, Ấn Độ nổi lên là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vượt qua Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nguồn cung, lạm phát tăng, gián đoạn thương mại do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, từ ngày 8/9/2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu nhiều loại gạo khác. Động thái này nhằm cố gắng tăng nguồn cung trong nước, làm dịu giá sau khi lượng mưa gió theo mùa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt.

Ngay sau động thái của Ấn Độ, giá gạo ở Châu Á đã lập tức tăng 5% và đang tiếp tục tăng. Ấn Độ chiếm hơn 40% các lô hàng toàn cầu. Do vậy, các hạn chế của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo đã làm tê liệt giao dịch ở Châu Á. Các đối tác mua đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, khiến giá gạo càng tăng.

Với dân số hơn 1,3 tỷ người, gạo là lương thực chính ở Ấn Độ. Năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 21,5 triệu tấn, nhiều hơn tổng lượng xuất khẩu của 4 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tiếp theo: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn lương thực trong nước, Ấn Độ thường hạn chế xuất khẩu gạo khi thời tiết không thuận lợi, canh tác lúa khó khăn. Còn nhớ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục (khoảng 1.000 USD/tấn).

Theo các hãng thông tấn quốc tế, việc vận chuyển gạo đã ngừng tại các cảng của Ấn Độ. Gần 1 triệu tấn gạo đang bị mắc kẹt ở các cảng do người mua từ chối trả mức thuế xuất khẩu 20% mới của Chính phủ. Lý do của người mua là trong hợp đồng không có điều khoản tăng thuế nên việc trả thêm tiền cho một hợp đồng đã thỏa thuận xong là vô lý.

Cơ hội cho Tứ giác Long Xuyên

Các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang đẩy nhiều doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, Thái Lan và Myanmar tìm nguồn thay thế. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng đều trong hơn 10 ngày qua. Ngày 12/9/2022, giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với mức giá 390-393 USD/tấn của tuần trước đó. Giá gạo Việt Nam hiện đang được tiếp tục chào bán với giá tăng thêm.

Nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), Kiên Giang và An Giang là 2 tỉnh có sản lượng lương thực đứng đầu vùng ĐBSCL và cả nước. Những năm qua, tỉnh Kiên Giang tận dụng tốt diện tích đất nông nghiệp lớn, nỗ lực xây dựng hệ thống kiểm soát mặn vùng cửa sông để tăng diện tích canh tác lúa ở những khu vực gần biển. Với hệ thống kiểm soát lũ Tha La - Trà Sư, tỉnh An Giang đang phối hợp tốt với tỉnh Kiên Giang trong điều tiết lũ, bảo vệ sản xuất vùng TGLX. Nhờ vậy, sản lượng lương thực vùng TGLX ngày càng tăng lên, trở thành vùng canh tác lúa trọng điểm của cả nước.

Trong Đề án xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, TGLX là trọng tâm thực hiện đề án. Trong đó, huyện Thoại Sơn, Tri Tôn (tỉnh An Giang) cùng với huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) là những vùng sản xuất lớn, thuận lợi triển khai “Cánh đồng lớn”, ứng dụng cơ giới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn kết với doanh nghiệp.

Riêng huyện Thoại Sơn và Tri Tôn đã thành lập được liên hiệp HTX với sự tham gia của Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, tập hợp những HTX thành viên có cùng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh để phát huy thế mạnh. Trong đó, HTX nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn) được chọn phát triển thành HTX điển hình, kiểu mẫu, tạo đột phá về xây dựng kinh tế tập thể, trở thành hạt nhân gắn kết mô hình làm ăn lớn.

Với lợi thế đất nông nghiệp lớn, quyết tâm xây dựng thành vùng trồng lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp cùng nỗ lực xây dựng HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, vùng TGLX đang đứng trước nhiều cơ hội khi nhu cầu lương thực thế giới tăng cao.

Tỉnh Kiên Giang đứng đầu cả nước về sản lượng lúa với khoảng 4,5 triệu tấn/năm; An Giang đứng thứ 2 với 4 triệu tấn/năm. Riêng đối với An Giang, với hơn 230.000ha đất lúa, có rất nhiều lợi thế về nguồn nước, khí hậu, ít chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, thuận lợi xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng, nâng cao giá trị.

NGÔ CHUẨN