Có nên giặt quần áo vào buổi tối?
Câu trả lời là không nên và nếu có thể, bạn nên làm công việc này sớm hơn. Giặt quần áo vào buổi tối là một thói quen không tốt và có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Dưới đây là những lý do bạn nên tránh giặt quần áo vào buổi.
Độ ẩm cao khiến quần áo dễ bị nấm mốc
Một trong những hạn chế lớn nhất của việc giặt quần áo vào buổi tối là độ ẩm. Ban đêm, độ ẩm trong không khí thường cao hơn so với ban ngày, khiến cho việc phơi khô quần áo trở nên khó khăn. Quần áo không được phơi khô hoàn toàn lâu ngày rất dễ dẫn đến tình trạng bị nấm mốc, nhiễm bẩn và gây ra mùi hôi, không tốt cho người mặc, đặc biệt với trẻ em vốn dễ bị tổn thương da.
Quần áo lâu khô, kém thơm tho
Giặt quần áo vào buổi tối thường đồng nghĩa với việc bạn sẽ phơi chúng vào ban đêm. Điều này có thể hạn chế thời gian quần áo tiếp xúc với không khí khô ráo và ánh nắng mặt trời, khiến chúng lâu khô hơn. Đối với những loại vải dày hoặc quần áo có nhiều lớp, việc phơi khô vào ban đêm có thể không đủ, dẫn đến việc quần áo vẫn ẩm ướt dễ có mùi hôi khó chịu.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Sử dụng máy giặt vào buổi tối, đặc biệt là khi bạn sống trong không gian hẹp hoặc căn hộ chung cư, có thể gây ra tiếng ồn và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn và những người xung quanh. Tiếng ồn từ máy giặt, máy sấy có thể làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi và thiếu năng lượng cho ngày hôm sau.
Không phù hợp với mọi loại vải
Một số loại vải nhạy cảm có thể không phù hợp để giặt và phơi vào ban đêm. Độ ẩm cao và thiếu ánh sáng tự nhiên có thể làm giảm tuổi thọ của các loại vải này, gây ra tình trạng co rút, phai màu hoặc hư hỏng.
Vì thế, tốt nhất bạn nên giặt quần áo vào sáng sớm để quần áo có thời gian khô trong ngày. Vào ban ngày, có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao và không khí rất khô nên phơi quần áo ướt mới giặt không chỉ khô nhanh mà còn được khử trùng.
Những lưu ý khi giặt quần áo vào buổi tối
Nếu vì quá bận rộn, bạn vẫn quyết định giặt quần áo vào buổi tối thì hãy chú ý một số lưu ý sau để đảm bảo quần áo được giặt sạch và khô ráo:
- Chọn chế độ giặt nhanh để giảm thiểu thời gian giặt và giảm độ ẩm trên quần áo. Điều này sẽ giúp quần áo dễ khô hơn khi phơi vào ban đêm.
- Nếu có điều kiện, hãy phơi quần áo trong phòng có máy sấy hoặc máy hút ẩm. Điều này sẽ giúp quần áo khô nhanh hơn và tránh tình trạng nấm mốc.
- Phơi quần áo ở nơi thoáng đãng, có gió tự nhiên để giúp quần áo khô nhanh hơn. Tránh phơi trong phòng kín hoặc những nơi ẩm thấp.
- Cố gắng giặt quần áo vào buổi tối nhưng không quá muộn, để bạn vẫn có đủ thời gian phơi và quần áo có thể khô một phần trước khi bạn cất quần áo vào nhà để đi ngủ.
Lưu ý khi phơi quần áo
- Nên phơi quần áo ở nơi rộng rãi, thoáng mát, có ánh sáng mặt trời. Không nên phơi đồ ở nơi thiếu nắng, độ ẩm cao, nhiều bụi bặm tránh làm bẩn ngược lại quần áo đã giặt sạch.
- Khi phơi, giữa các bộ đồ nên có khoảng cách để hơi nước bốc hơi tốt hơn, giúp quần áo nhanh khô hơn.
- Không dùng các loại dây phơi bị gỉ sét để phơi quần áo tránh làm trang phục bị bẩn.
- Nhiều người có thói quen lộn trái quần áo khi phơi để khô đều cả phía trong, điều này có thể khiến bụi bẩn, vi khuẩn, côn trùng bám dính vào mặt trong của quần áo, nơi tiếp xúc trực tiếp với làn da. Tuy nhiên nếu muốn hạn chế màu sắc của quần áo không bị phai màu, việc phơi mặt trái quần áo ra ngoài lại hiệu quả; nên phơi ở nơi sạch sẽ, ít bụi và độ ẩm thấp.
- Khi mang quần áo vào nhà, bạn nên giũ quần áo để bụi, trứng côn trùng (nếu có) có thể bay ra ngoài.
- Khi phơi quần áo có chất liệu bằng len hoặc các sản phẩm có chất liệu tương tự, bạn nên phơi ngang trên dây phơi hoặc cạnh đáy của móc quần áo. Vì sợi len có đặc tính thấm hút cao, khi giặt chúng sẽ hút một lượng nước lớn nên rất nặng, nếu phơi theo kiểu thông thường sẽ kéo giãn sợi len, làm áo bị biến dạng.
- Đồ lót hoặc quần áo sơ sinh không nên phơi chung với những loại quần áo khác nhằm tránh vi khuẩn độc hại bám vào ảnh hưởng đến sức khỏe, dị ứng da.