Công đoàn cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động

01/12/2022 - 06:57

 - Trong giai đoạn phục hồi sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) chịu hệ lụy của đại dịch COVID-19, áp lực chi phí sản xuất do xăng dầu tăng giá, thiếu đơn hàng. Đặc biệt, cận Tết, một số DN phải cắt giảm lao động, gây biến động trong quan hệ lao động. Các cấp công đoàn đang tập trung nắm bắt tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ để cùng công đoàn cơ sở (CĐCS) và DN chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), nhất là cao điểm dịp Tết.

Hỗ trợ Mái ấm công đoàn cho đoàn viên hoàn cảnh khó khăn

Kịp thời, thiết thực

Tại xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, CĐCS Công ty Cổ phần Điện nước An Giang phối hợp tổ chức lễ bàn giao công trình Tổ Quản lý điện nước khu vực Khánh Hòa (huyện Châu Phú). Tổ Quản lý điện nước khu vực Khánh Hòa được xây dựng từ năm 2000 đến nay, ghép chung với Tổ Cấp nước Mỹ Đức. Qua thời gian sử dụng công trình xuống cấp.

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành CĐCS đã đề xuất được Ban Tổng Giám đốc đầu tư công trình. Qua 3 tháng khởi công, công trình hoàn thành gồm các hạng mục: Nhà làm việc, phòng nghỉ cho nhân viên (72m2), nhà vệ sinh, cải tạo nhà kho (35,36m2), sân nền… tổng kinh phí đầu tư trên 886 triệu đồng. Để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động, CĐCS công ty còn xuất kinh phí công đoàn 80 triệu đồng mua sắm các dụng cụ, thiết bị, giúp NLĐ an tâm công tác.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang phối hợp CĐCS Công ty Cổ phần Phà An Giang vừa tổ chức lễ bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên Nguyễn Văn Tuấn, kinh phí xây dựng 150 triệu đồng. Anh Tuấn công tác trên 15 năm, hiện là Máy trưởng của Xí nghiệp Phà Năng Gù.

Mức lương nhân viên khoảng 7,5 triệu đồng/tháng của anh là nguồn thu nhập chính trang trải cho chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt của gia đình (vợ anh là nội trợ và nuôi 3 con nhỏ). Căn nhà mới của anh Tuấn được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Đây là mô hình hoạt động chung của Cụm thi đua các tỉnh ĐBSCL về công tác chăm lo, hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.

Sau khi nắm tình hình ở Công ty TNHH An Giang Samho (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành), công đoàn và các ngành chức năng đã khẩn trương làm việc với ban giám đốc công ty để có hướng tháo gỡ, ổn định tình hình lao động. Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, Công ty TNHH An Giang Samho tạm hoãn hợp đồng công nhân từ 1.700 - 3.200 công nhân; không tái ký hợp đồng lao động 646 công nhân và chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 2.734 công nhân (làm việc dưới 12 tháng).

LĐLĐ tỉnh An Giang đã hỗ trợ xong cho tất cả đoàn viên, NLĐ nằm trong danh sách cắt giảm hợp đồng của công ty, mỗi trường hợp 500.000 đồng. Trong đó, công đoàn các khu công nghiệp hỗ trợ thêm 100.000 đồng, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng, CĐCS công ty hỗ trợ 200.000 đồng/công nhân. Việc hỗ trợ được tổ chức thực hiện ngay sau khi công ty có thông báo danh sách chính thức số lao động bị cắt giảm hợp đồng.

Chủ động hơn

Năm 2022, LĐLĐ tỉnh An Giang đã thành lập các đoàn làm việc với 20 CĐCS cơ quan, đơn vị, DN và 6 nghiệp đoàn để nắm tình hình chuẩn bị tổ chức đại hội CĐCS; hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, công đoàn quan tâm về việc làm, thu nhập, tư tưởng, nguyện vọng của NLĐ. Qua đó, kịp thời hỗ trợ hoặc kiến nghị với lãnh đạo tỉnh có chủ trương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN và tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của ngành nghề, góp phần nâng chất hoạt động trong thời gian tới.

Để tiếp tục hướng dẫn, nâng chất hoạt động công đoàn tại DN, LĐLĐ tỉnh An Giang đã triển khai mô hình “3 an” tại 7 DN có đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh, thành lập Tổ hỗ trợ CĐCS DN trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc. Qua đó đã hướng dẫn, hỗ trợ các CĐCS DN ngoài nhà nước thực hiện các bước thương lượng tập thể, xây dựng các biểu mẫu văn bản để các CĐCS DN áp dụng triển khai thực hiện. Từ đó, các CĐCS đã ký mới thỏa ước lao động tập thể ở 6 DN có tổ chức công đoàn, đạt 120% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Trong đó, có 154/220 bản thỏa ước lao động tập thể được đánh giá đạt loại B, chiếm tỷ lệ 70% với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ.

Do tình hình thế giới và ảnh hưởng của lạm phát, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, nhiều DN trong tỉnh không có đơn hàng mới, nhất là ngành dệt may. Trước những khó khăn trên, dự báo quan hệ lao động trong DN sẽ có những biến động, nhất là các đơn vị bị giảm mạnh đơn hàng, phải sắp xếp lại sản xuất. LĐLĐ tỉnh An Giang đã chỉ đạo công đoàn các cấp tiếp tục phối hợp tổ chức chăm lo vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ trong thời gian tới.

Các cấp công đoàn bám sát cơ sở để nắm rõ những khó khăn từ DN, chế độ lương tháng 13, thưởng Tết… Cùng với đó, làm cầu nối, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của NLĐ nhằm có những hỗ trợ, đề xuất cấp trên giải quyết hài hòa, thỏa đáng. Công đoàn đồng thời phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả, như: Nâng cao chất lượng bữa ăn ca”; chương trình phúc lợi đoàn viên; chương trình “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn khi bị thiên tai, dịch bệnh. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, dự kiến cả hệ thống công đoàn sẽ chi hỗ trợ 17.000 suất quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị cắt việc làm, giảm giờ làm, các trường hợp bệnh hiểm nghèo… tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích