Đa dạng nông sản An Giang

23/03/2023 - 07:03

 - An Giang không chỉ có lúa, cá, rau màu, mà còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Các sản phẩm này vừa đáp ứng thị trường xuất khẩu, vừa phục vụ người tiêu dùng nội địa. Một nền nông nghiệp đa sản phẩm, đa thị trường, đa giá trị đã nói lên sự năng động, linh hoạt trong định hướng đúng đắn của Đảng, quy hoạch của chính quyền và sự năng động, sáng tạo của nông dân.

Trồng sầu riêng ở xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú)

Nói đến An Giang, du khách trong và ngoài nước nghĩ ngay đến địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp, như: Lúa gạo, cá tra, đậu nành rau… Đặc biệt trong những năm gần đây, 2 trong nhiều sản phẩm nông nghiệp khá nổi tiếng, được người tiêu dùng và giới thương lái săn tìm, đó là sầu riêng và mít được trồng tại An Giang. Sầu riêng có các giống, như: Ri-6, Monthong, Musang King, mít có giống mít Thái. Đây là các giống được nhập từ nước ngoài nhưng phù hợp với thổ nhưỡng An Giang.

Ông Ngô Văn Tấn (ấp Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) cho biết, 1 công lúa Đài Thơm 8 cho doanh thu mỗi vụ cao nhất 6 triệu đồng, 1 công sầu riêng Ri-6 cho doanh thu mỗi vụ lên đến 225 triệu đồng; nếu trồng giống Musang King (tại các địa phương được cấp mã số vùng trồng) thì doanh thu thấp nhất cũng 500 triệu đồng/vụ/công. Musang King được mệnh danh là “Vua sầu riêng” bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Người đầu tiên phát hiện ra giống cây này là ông Wee Chong Beng, giống được phát hiện tại khu vực hang Musang ở Kelantan (Malaysia).

Sau khi phát hiện ra sự thơm ngon, loại quả này được cư dân địa phương nhân giống, sau đó được trồng phổ biến tại Malaysia và mang lại giá trị kinh tế cao. “Sầu riêng Musang King có hình bầu dục, trái không quá lớn, cân nặng từ 1,5 - 2 kg/trái. Vỏ trái có màu xanh đậm, có gai rất lớn, cơm có màu vàng nghệ, vị ngọt và hương thơm đậm đà, hạt lép... Đặc trưng của loại này có vết rãnh ở giữa cuống và thân trái, phần đáy của trái thấy rõ 5 múi to và dày dặn”- ông Tấn chia sẻ.

4 năm trước, trong một mùa vụ thất bát (bởi giá lúa xuất khẩu được thương lái mua tại ruộng chỉ có 5.600 đồng/kg), ông Tấn đã đến tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và nhiều vùng trồng cây ăn trái khác tại ĐBSCL để tìm loại cây trồng mới. Lặn lội khắp nơi, ông may mắn tiếp cận được với ông Bon (một nông dân ở tỉnh Tiền Giang) có trồng sầu riêng Musang King. Lúc này, ông hỏi thăm về thị trường, giá cả và kỹ thuật trồng.

Sau khi nghe ông Bon chia sẻ, ông Tấn trở về xã Thạnh Mỹ Tây quy hoạch ngay 7 công ruộng, từ đất trồng lúa chuyển sang trồng sầu riêng, trong đó có giống sầu riêng Musang King. “Sau 4 năm trồng, đầu tháng 3/2023, vườn sầu riêng Musang King đã cho trái. Nếu là hàng lựa, thương lái mua từ 220.000 - 230.000 đồng/kg, hàng xô 210.000 đồng/kg, nhà vườn có bao nhiêu thương lái sẽ mua hết” - ông Tấn chia sẻ.

Nếu mít Thái cho năng suất trung bình từ 15 - 20 tấn/ha thì sầu riêng Ri-6, Monthong cho năng suất tương đương, đặc biệt giống sầu riêng Musang King thì năng suất tương đương nhưng giá trị cao gấp 2 lần giống Ri-6. Ở An Giang hiện nay, những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, ngành nông nghiệp đã quy hoạch, định hướng cho nông dân trồng các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Ngoài cây xoài cát Hòa Lộc (xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ) được trồng ở các địa phương: Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu, An Phú... thì các loại cây trồng khác, như: Bưởi, xoài keo, quýt, na Hoàng Hậu còn được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh, từ đó thu nhập của nông dân được cải thiện.

Từ năm 2019 - 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau dưa, hoa màu, cây ăn trái, diện tích 19.603ha, trong đó cây ăn trái 4.886ha. Hiện, đời sống của những người làm nông nghiệp không ngừng được nâng lên, do thị trường tiêu thụ nông sản mở rộng.

An Giang không chỉ có lúa và cá tra xuất khẩu, mà còn có nhiều loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao, vừa xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước. Một nền nông nghiệp với đa dạng sản phẩm và thị trường tiêu thụ đã giúp cho thu nhập bình quân của nông dân tăng lên, có những chủ trang trại trồng sầu riêng Musang King như ông Tấn ở xã Thạnh Mỹ Tây có thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng.

Với định hướng đúng đắn của nhà nước và ngành nông nghiệp, sự linh hoạt của nông dân trong kỷ nguyên số, nông nghiệp An Giang đang hướng đến một nền nông nghiệp đa sản phẩm, đa thị trường, đa giá trị, qua đó góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân.

“Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã tiến hành cơ cấu lại theo cụm ngành hàng, trong đó cụm ngành hàng chủ lực có lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái. Ngành hàng tiềm năng có chăn nuôi bò, heo, cây dược liệu, nấm ăn, hoa, cây cảnh. Để thực hiện được định hướng này, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu giống trong tỉnh và khu vực. Có như vậy thì tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đạt hiệu quả” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết.

 

MINH HIỂN