Đa dạng sản phẩm OCOP ở huyện cù lao

29/07/2024 - 06:47

 - Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) quan tâm chỉ đạo thực hiện với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Tân đã tổ chức khảo sát 15 sản phẩm tại 9 địa phương. Kết quả có 3 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm tiềm năng có thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá năm 2024 (rượu tim sen, nếp, bột trái nhàu, nước cốt trái nhàu); nhóm sản phẩm tiềm năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá năm 2024 hoặc những năm tiếp theo; nhóm sản phẩm tiếp tục vận động tham gia và thực hiện từng bước các hồ sơ liên quan an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác…

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã tiến hành đánh giá đợt 1 năm 2024 sản phẩm dưa lưới công nghệ cao của Tổ hợp tác dưa lưới công nghệ cao và sản phẩm bưởi da xanh của hộ kinh doanh bưởi da xanh Phú Hộ, cùng ở xã Bình Thạnh Đông. Kết quả 2 sản phẩm đều đạt số điểm sản phẩm OCOP 3 sao, hội đồng đang trình UBND huyện xem xét quyết định công nhận.

Dưa lưới Bình Thạnh Đông được chấm đủ điều kiện xét công nhận sản phẩm OCOP của năm nay

Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, tại Phiên chợ thương mại tổng hợp huyện Phú Tân năm 2024, ngành chức năng đưa các nhóm sản phẩm tham gia gian hàng trưng bày quảng bá và kinh doanh. Trong đó, có sản phẩm cà na OCOP 3 sao của hộ kinh doanh Nguyễn Trung xã Hiệp Xương, mới được công nhận năm 2023. Khai thác loại trái dân dã tiềm năng ở địa phương, ngoài cà na đập, anh Trung đưa vào thị trường cà na xí muội, có vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, nhai dẻo cho cảm giác ngon lạ. Anh cho biết, đang đầu tư thêm máy móc để thay cách làm thủ công, giúp sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm tiềm năng cũng tham gia phiên chợ, chương trình xúc tiến của tỉnh để tiếp cận khách hàng và lắng nghe những phản hồi, như: Sản xuất muối Phú Long; sản phẩm chế biến từ trái nhàu của cơ sở Trần Gia, thị trấn Phú Mỹ; sản phẩm chả cá của Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Thanh Tùng tham gia phiên chợ OCOP An Giang năm 2024 trên nền tảng TikTok; các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm tiềm năng năm 2024 tham gia trưng bày tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Chương trình OCOP tỉnh; các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến cho biết, trong thực hiện chương trình OCOP, địa phương được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp, ngành tỉnh rất tích cực. Cùng với đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND xã, thị trấn triển khai chương trình đến các chủ thể để đăng ký tham gia. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ giúp việc đã chủ động, tích cực trong thực hiện đánh giá và hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký.

Nhờ đó, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn huyện Phú Tân bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các sản phẩm không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và lợi thế cạnh tranh.

Sản phẩm cà na xí muội đạt chuẩn OCOP

Bên cạnh kết quả đáng phấn khởi, phải nhìn nhận rằng, so với các địa phương, Chương trình OCOP ở huyện Phú Tân còn ở tầm khiêm tốn, số sản phẩm chưa nhiều, các sản phẩm tiềm năng tham gia chưa đạt như mong đợi.

Theo Phòng NN&PTNT Phú Tân, thời gian qua, sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm, công tác tuyên truyền còn hạn chế, hầu hết nhân sự tham gia đều kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn lúng túng trong rà soát đề xuất sản phẩm, hỗ trợ chủ thể thực hiện hồ sơ và đánh giá phân hạng sản phẩm.

Ngoài ra, còn có một sô nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, như việc hướng dẫn tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP thay đổi. Nhiều chủ thể kinh tế chưa hiểu rõ cũng như chưa thấy được lợi ích khi tham gia chương trình OCOP dẫn đến chưa có sự quyết tâm cao trong tham gia chương trình.

Một số chủ thể chưa nắm rõ các quy định của pháp luật trong sản xuất (như quy trình chất lượng, tự công bố, cách ghi bao bì nhãn mác…) và phân phối sản phẩm, chưa thật sự quan tâm nâng chất sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, đầu tư công nghệ trong sản xuất… Phần lớn quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ, kể cả các chủ thể đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP nhằm tăng hạng sao; chưa chủ động, tích cực trong thực hiện hồ sơ tham gia đánh giá.

Ông Nguyễn Thanh Tuyến thông tin, từ nay đến cuối năm, ngành chuyên môn huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia chương trình theo chu trình OCOP. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng đợt 2, 3 đối với sản phẩm tiềm năng được khảo sát đủ điều kiện. Đặc biệt, quan tâm kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất; việc sử dụng tem OCOP trên bao bì sản phẩm (đối với sản phẩm đạt sao).

Xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, huyện Phú Tân đã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đồng thời, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của từng xã, thị trấn, hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh... Đó chính là động lực cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP.

MỸ HẠNH