Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang chuyển hướng thiết thực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với từng địa phương để điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dự báo việc làm…
Đặc biệt, lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp sẽ cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho đơn vị tuyển dụng thuận lợi hơn. Điển hình tại Chi nhánh Công ty TNHH xuất nhập khẩu may mặc Thanh Vân hoạt động tại xã Phú Xuân từ ngày 4/4 và đang có 40 lao động làm việc. Trong đó, 25 lao động chưa có giấy chứng nhận đào tạo nghề, dù đã có tay nghề trước đó.
Qua khảo sát, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chuẩn bị phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp, tạo điều kiện cho lao động vừa học, vừa làm. Chị Nguyên (công nhân may) cho biết, chị có tay nghề may công nghiệp nhiều năm ở tỉnh Bình Dương. Do dịch COVID-19, chị trở về quê và sống tạm bằng đủ các việc làm thuê. Vào công ty Thanh Vân làm được 2 tuần, chị rất mừng vì có công việc ổn định, thu nhập 200.000 đồng/ngày. “Hiện tại, tôi còn thiếu chứng nhận đào tạo nghề, hy vọng sớm được tham gia lớp đào tạo để có thể gắn bó công việc tại đây lâu hơn” - chị Nguyên bộc bạch.
Đối với nghề nông nghiệp, xã Phú Xuân đã liên kết mở các lớp trồng nấm rơm, kỹ thuật trồng lúa, trồng đậu nành rau… cho nông dân. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Xuân Đặng Thị Thu Thủy cho biết, mô hình trồng đậu nành rau mở rộng diện tích gần 100ha. Gắn liền với sản xuất là lực lượng lao động dồi dào tham gia các công đoạn: Làm đất, trồng, tỉa, thu hoạch.
Trong đó, nhóm lao động hơn 40 người đã hình thành theo xuyên suốt phục vụ mô hình này và có thu nhập khá cao. Ngoài tham gia lao động trong vụ đông xuân ở xã, nhóm này còn di chuyển luân phiên ở các địa phương khác. Để giúp những thành viên có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia làm việc chưa thể nhận lương sớm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm để xoay sở tạm thời.
Cơ sở may mặc Vạn Phúc của ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Lâm) cũng là điểm mới góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ông Tùng cho hay, trong 3 tháng đầu, ông đặt mục tiêu thu hút khoảng 30 lao động, mức lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Qua giai đoạn này, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân sẽ quyết định việc ký hợp đồng, thỏa thuận với người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Trước mắt, cần thiết nhất là mở lớp đào tạo nghề cho các lao động để đạt chuẩn chuyên môn đồng nhất và có chứng chỉ theo quy định. Nhu cầu của ông Tùng đã được địa phương và cơ quan chức năng đến khảo sát, đánh giá, tạo điều kiện mở lớp trong thời gian sớm nhất.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân Đặng Hồng Thái thông tin, từ nhu cầu thực tế của lao động nông thôn đăng ký học nghề, trung tâm phối hợp từng địa phương triển khai lớp đào tạo phù hợp. Chỉ tiêu toàn huyện trong năm nay là đào tạo 500 lao động. Ngành nghề phi nông nghiệp (chủ yếu là may) sẽ học tập trung tại trung tâm, dành phần lớn thời gian để học viên rèn kỹ năng. Song song đó, đảm bảo liên kết với DN hoặc cơ sở trên địa bàn, để học viên có ngay việc làm sau khi học xong. Đối với ngành nghề nông nghiệp, trung tâm về tận địa bàn để tổ chức lớp học, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia.
Theo ông Thái, xu hướng người lao động tìm việc làm ngoài tỉnh ở giai đoạn hiện nay đang hạn chế, bởi còn ảnh hưởng tâm lý, điều kiện, khả năng tìm việc làm sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều công ty, cơ sở dưới dạng chi nhánh, vệ tinh của các công ty lớn dần mở rộng về vùng nông thôn. Điều kiện này rất phù hợp cho lao động nhàn rỗi theo học nghề, làm việc tại chỗ và gắn bó với công ty dễ dàng hơn. Để tiếp tục tạo ra bước chuyển tích cực về đào tạo nghề trong tình hình mới, các cấp, ngành, đơn vị đào tạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân và sự đồng hành của DN về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Ngoài lực lượng lao động nông thôn đã có hoặc chưa có việc làm, trung tâm còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động trong xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
MỸ HẠNH