Đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo

16/08/2022 - 04:13

 - Thời gian qua, An Giang đã đầu tư, quy hoạch điện năng lượng tái tạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có các dự án đầu tư thực hiện nguồn điện năng lượng mặt trời, góp phần tăng cường nguồn điện cung cấp cho điện lưới quốc gia, đảm bảo nguồn cung trong những tháng mùa khô, giảm tổn thất do truyền tải đi xa.

Điện năng lượng mặt trời

Các dự án đầu tư thực hiện nguồn điện năng lượng mặt trời còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai so với trước khi lập dự án (đất thiếu nước canh tác, năng suất không cao, chỉ sản xuất 1 vụ). Tạo nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường, phát thải ít các-bon trong quá trình sản xuất, chuyển đổi; là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, giúp bảo vệ hệ sinh thái.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2021 An Giang được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung 2 dự án "Nhà máy điện mặt trời mặt đất nối lưới" vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia về điện mặt trời (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Đó là: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đầu tư (tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) quy mô 274,5ha đất, công suất 210 MWp. Nhà máy đã vận hành thương mại giai đoạn 1-2 trong tháng 6/2019; giai đoạn 3-4 trong tháng 12/2020. Dự án nhà máy điện mặt trời An Cư (tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn) với quy mô 50 MWp, diện tích sử dụng đất 60ha. Hiện, tỉnh đang thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật về đăng ký dự án, lựa chọn nhà đầu tư.

Giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, tỉnh chỉ có 1 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch, khởi công xây dựng từ tháng 2/2019 đến hết tháng 6/2019. Đó là Dự án đầu tư trang trại năng lượng mặt trời Hòa Bình 10 MW, do Công ty TNHH MTV Năng lượng Thái Bình Dương Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần MXB) đầu tư thực hiện tại Khu Công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành). Quy mô khoảng 12ha đất, công suất 10 MWp. Dự án hoàn thành và vận hành thương mại trong tháng 6/2019.

Giai đoạn 2016-2021, có 2 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh An Giang là: Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 1 và Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 2, do Công ty Cổ phần Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo đầu tư tại ấp Bà Đen (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) với quy mô 60ha đất/dự án, công suất 50 MWp/dự án. Dự án hoàn thành và vận hành thương mại trong tháng 6/2019.

Ngoài ra, theo Sở Công Thương An Giang, từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020, có trên 2.300 khách hàng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện do Công ty Điện lực An Giang quản lý, với tổng công suất hòa lưới điện quốc gia khoảng 180 MWp. 806 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại 534 trạm biến áp đấu nối vào lưới điện do Công ty Cổ phần Điện nước An Giang quản lý mua từ Công ty Điện lực An Giang và khai thác bán lẻ điện sinh hoạt, chủ yếu lưới điện hạ thế, ánh sáng sinh hoạt. 12 trường hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà sau ngày 31/12/2020, công suất 2,67 kWp-1.000 kWp, đấu nối vào bên dưới aptomat - phần hạ thế của hệ thống điện, không ký hợp đồng mua bán điện dư với ngành điện.

Các dự án điện năng lượng mặt trời đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp quy hoạch, đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường, giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập do phần lớn các dự án chưa đánh giá đúng khả năng truyền tải của lưới điện hiện hữu, nên gây ra tình trạng quá tải không giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện mặt trời. Thiếu cơ chế hỗ trợ để đầu tư các thiết bị tích trữ năng lượng, đặc biệt đối với năng lượng mặt trời, dẫn đến thất thoát nguồn năng lượng. Trung ương chưa ban hành quy trình ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với các dự án điện mặt trời, chưa quy định phân cấp đối tượng khách hàng ưu tiên mua bán điện, tiết giảm điện khi công suất phát trên lưới điện cao hơn công suất phụ tải... Quy định về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện chưa liên thông, cập nhật các quy định liên quan đến các quy hoạch về đất đai, quy định về thỏa thuận quốc phòng, các quy trình thực hiện song song hay phải thực hiện theo quy trình từng ngành.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực năm 2004, nhằm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý trong việc thực hiện xã hội hóa về đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương tăng cường phân bổ công suất năng lượng tái tạo cho những địa phương có tiềm năng lớn, thế mạnh phát triển loại hình này, nhằm tập trung phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ với hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt, ưu tiên các địa phương còn khó khăn trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các địa phương lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế. Kiến nghị Trung ương rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Quy hoạch phát triển năng lượng gắn với quốc phòng - an ninh, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, nhằm tạo thống nhất và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng chặt chẽ và phù hợp tình hình thực tế trong việc quy hoạch, phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia.

HẠNH CHÂU