Độ tuổi 2 - 3
Dorothy Singer, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale cho biết trẻ ở độ tuổi này còn rất nhỏ, chưa thể hiểu hết giá trị của đồng tiền, cha mẹ có thể dạy cho con tên của các loại tiền, phân biệt tiền xu hoặc tiền giấy.
Các đồng tiền thường được in thêm hình người và các địa danh, cha mẹ có thể dùng những hình ảnh đó liên kết với câu chuyện để con có thể nhớ được mặt đồng tiền.
Độ tuổi 4 - 5
Trước khi đi siêu thị hay đi mua sắm, cha mẹ có thể lấy phiếu giảm giá ra và đề nghị con giúp đỡ chọn những mặt hàng được áp dụng theo phiếu giảm giá.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ khiến con trẻ cảm thấy chúng đang giúp đỡ bố mẹ và đó là một cách vừa đơn giản vừa thú vị để dạy con về việc tiết kiệm.
Trẻ rất thích chơi các trò chơi như đồ hàng.
Cha mẹ có thể cùng con chơi trò chơi bán hàng, đổi tiền lấy một món đồ chơi nào đó để con bắt đầu hiểu những điều căn bản về hoạt động mua bán.
Độ tuổi 6 - 8
Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu nhận thức được mệnh giá tiền và một phần về tầm quan trọng của đồng tiền.
Cha mẹ có thể mua cho bé một con lợn đất hoặc lợn nhựa để trẻ có thể nhét tiền mừng tuổi hay tiền tiết kiệm vào trong.
Trẻ lớn hơn, bạn có thể mở cho con một tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng, giải thích cho con hiểu sơ qua về khái niệm lãi suất và cách ngân hàng trả tiền cho những người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng họ.
Như vậy, con sẽ biết được cách cất khoản tiền tiết kiệm của mình ở đâu cho hợp lý nhất.
Độ tuổi 9 - 12
Một cách dạy trẻ chi tiêu hợp lý là đọc nhãn giá của các mặt hàng.
Bạn có thể dạy trẻ xem kích cỡ, giá cả, và so sánh số lượng theo phần trăm để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất.
Đừng quên nhắc con kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể yêu cầu con thường xuyên dọp dẹp nhà cửa, phòng ốc, lựa ra những chai lọ, đồ tái chế không dùng tới có thể bán lại cho người thu gom phế liệu.
Độ tuổi 13 - 15
Ở độ tuổi này, nhiều phụ huynh bắt đầu cho tiền tiêu hàng tháng (tiền ăn trưa, mua đồ dùng học tập và các nhu yếu phẩm khác…). Trẻ có thể tiêu hết số tiền này cho những khoản không chính đáng.
Hãy giúp con đặt ra kế hoạch chi tiêu bằng cách thảo luận trước với con về nhu cầu và mong muốn.
Chẳng hạn như: “Đây là trò chơi khoai tây và nước thịt. Khoai tây là thực phẩm chúng ta cần để tồn tại, nước thịt làm cho nó ngon hơn nhưng không cần thiết”.
Bạn có thể củng cố ý tưởng này bằng cách cùng con xem xét ngân sách mình cấp cho con và thảo luận về nhu cầu và mong muốn của con.
Từ đó, cả hai cùng nhau đưa ra danh sách những thứ cần phải mua.
Theo A.B (Vietnamnet)