Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

05/04/2024 - 07:19

 - Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra nông sản ổn định, giúp nông dân yên tâm canh tác...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, những năm qua, huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, phối hợp các ngành chuyên môn chuyển giao những công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao…

Huyện Châu Thành tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao. Ngoài ra, khuyến khích DN, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Tiêu biểu, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ trồng cây ăn trái; trồng nấm rơm dạng trụ và tận dụng phụ phẩm sau trồng nấm để ủ phân hữu cơ; canh tác lúa thông minh, ứng dụng bón lót, phun giống, thuốc bằng máy bay không người lái (drone); trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê; nuôi cá chạch lấu trong mùng…

Năm 2023, toàn huyện Châu Thành có 11/11 xã đăng ký thực hiện 11 mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới (định mức 50 triệu đồng/mô hình) và 2/11 xã đăng ký thực hiện 3 mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới (định mức 200 triệu đồng/mô hình). Đồng thời, huyện đang triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện trên 5,1 tỷ đồng.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt nhiều kết quả tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, tạo động lực khích lệ nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Năm 2023, Hội Nông dân huyện Châu Thành xét công nhận 8.023 cá nhân và 19 tập thể đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 3 cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 602 cá nhân, 6 tập thể; cấp huyện có 1.787 cá nhân, 6 tập thể; cấp xã có 4.904 cá nhân, 7 tập thể.

Để phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), huyện Châu Thành tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, DN mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương.

Đến nay, huyện Châu Thành có 3 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao, gồm: Nước mắm chay Cô Nành của Hộ kinh doanh Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành), nấm đông trùng hạ thảo của Hộ kinh doanh Hoàng Huy (ấp Cần Thới, xã Cần Đăng) và sầu riêng Vĩnh Hòa của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Nhuận).

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với việc khai thác và tận dụng tốt lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; kêu gọi và tạo điều kiện, khuyến khích DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi.

Huyện tập trung phát triển kinh tế tập thể; kinh tế trang trại và sản phẩm OCOP; phát huy hiệu quả, sử dụng chế phẩm, vật tư nông nghiệp thân thiện môi trường; đảm bảo nguồn giống tốt để sản xuất. Ngoài ra, phối hợp chính quyền địa phương và DN tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

KHÁNH MY