Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

04/07/2022 - 07:55

 - Thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt, nhằm hạn chế số lượng tiền mặt đang lưu thông trên thị trường, giảm thiểu chi phí xã hội. Việc ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và là một trong những giải pháp ưu việt, cần được áp dụng rộng rãi.

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có trên 60 đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán; các trung tâm huyện, thị xã, thành phố được trang bị trên 250 máy rút tiền tự động (ATM); 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Thực hiện chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua thanh toán trực tuyến (online), phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang đã tổ chức Chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, với giải pháp sử dụng dịch vụ Viettel Money, VNPT Money, VNPT Pay tại các chợ trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Thoại Sơn và Tịnh Biên. Chương trình được các hộ tiểu thương và người dân rất đồng tình ủng hộ, tích cực cài đặt ứng dụng để thanh toán qua mã QR Code.

Thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu

Đồng thời, phối hợp Petrolimex An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống cửa hàng xăng dầu với giải pháp thanh toán tiên tiến, cho phép khách hàng ngoài cà thẻ còn có thể chạm để thanh toán bằng các loại thẻ Visa. Việc này đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, tích hợp với cột bơm, kết nối không dây (wifi) để phục vụ khách hàng thanh toán ngay tại cột bơm xăng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex) Trần Thanh Trung cho biết: “Petrolimex An Giang đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng xăng dầu từ tháng 10/2021, là bước đột phá trong chiến lược phát triển thị trường, đem lại nhiều trải nghiệm và giá trị gia tăng cho khách hàng. Đến nay, đã có 46/50 cửa hàng xăng dầu trực thuộc triển khai thực hiện nhanh, thuận tiện, an toàn trên thiết bị POS hiện đại. Hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán hiện đại, gồm: Thẻ quốc tế (Visa, Master); thẻ nội địa thuộc hệ thống Napas và thẻ đồng thương hiệu Petrolimex-HDBank; các ví điện tử xác thực qua QR Code trong liên minh VNPay. Petrolimex còn áp dụng mua xăng dầu tích điểm đến ngày 31/12/2023”.

Khách hàng quét mã QR thanh toán tiền mua hàng tại chợ Tịnh Biên

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến chưa đồng bộ, sự kết nối giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng chưa được chặt chẽ. Mặt khác, theo thói quen truyền thống, đa phần người tiêu dùng còn sử dụng tiền mặt để thanh toán nên khi chuyển sang sử dụng tiền điện tử, người dân còn lúng túng, chưa mạnh dạn sử dụng ngay.

Chương trình thanh toán không dùng tiền mặt đã dần khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Kỳ vọng người tiêu dùng tích cực hưởng ứng thực hiện, để thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển thương mại điện tử đến năm 2025 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 70%. UBND tỉnh, Sở Công Thương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước... Đặt biệt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản Viettel Money, VNPT Pay, MobiFone Pay… tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Công văn 422/UBND-KTN chỉ đạo tăng cường giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các kênh phân phối hàng hóa. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm, có hiệu quả các giải pháp nâng cao xếp hạng thương mại điện tử tỉnh. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch tại các kênh phân phối hàng hóa; đồng thời thanh toán đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, như: Tiền điện, nước; hàng hóa, dịch vụ ăn uống; đóng phí, lệ phí... 

Giới thiệu tiện ích, cài đặt ứng dụng VNPT Money cho hộ kinh doanh tại chợ 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết, để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, năm 2022, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị viễn thông và các tổ chức cung cấp dịch vụ đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản VNPT Money, VNPT Pay, Viettel Money… Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản VNPT Money, VNPT Pay, Viettel Money… có thể được thực hiện bằng một trong 2 hình thức: Thanh toán thông qua điện thoại di động, sử dụng tài khoản viễn thông gắn với sim, không cần liên kết với tài khoản ngân hàng và thanh toán phải liên kết với tài khoản ngân hàng.

Các giao dịch, như: Nạp, rút, chuyển tiền được thực hiện một cách dễ dàng, đơn giản, an toàn, tiện lợi bằng điện thoại mà không dùng đến tiền mặt và được bảo mật tối đa tài khoản, không cần phải đăng ký tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng được dịch vụ. Đây là một trong các dịch vụ thiết yếu trong tương lai, là hệ sinh thái tài chính số toàn diện, tiện lợi cho khách hàng trong các giao dịch thanh toán hàng ngày.

Anh Trần Hoàng Thiện (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Xu hướng thương mại điện tử, mua hàng hóa và thanh toán online/thanh toán qua app/thẻ là tất yếu để người tiêu dùng lựa chọn, đảm bảo minh bạch an toàn, kiểm soát tối ưu chi phí. Tôi lái xe tải đường dài, mỗi lần đổ xăng thanh toán hơn 1 triệu đồng nên quẹt thẻ nhanh, gọn hơn”.

HẠNH CHÂU