Dạy và học tại vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ

23/09/2023 - 09:20

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Việc ưu tiên hoàn thiện mạng lưới trường lớp, đa dạng phương thức giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đọc sách tại thư viện trường. (Ảnh MINH KHỞI)

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, năm học mới 2023-2024, các địa phương khu vực Tây Nam Bộ cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý các cơ sở giáo dục và triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc, hỗ trợ học sinh, nâng cao trình độ dân trí, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số.

Đầu tư hoàn thiện mạng lưới trường lớp

Ông Thạch Thành Quang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 1995 trường được thành lập, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học còn nhiều khó khăn. Nhớ lại, năm học đầu tiên, trường tuyển 105 học sinh khối lớp 6 đến lớp 8 và trực tiếp nuôi dạy; số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ có 15 người. Nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, năm học 2015-2016 trường được các đơn vị tài trợ đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây mới khang trang, sạch đẹp. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước, chiếu sáng, các phòng học bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị, phần mềm hiện đại sử dụng internet, đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt.

Năm học 2022-2023 trường có 14 lớp với 483 học sinh các bậc học. Kết quả, tỷ lệ học sinh lên lớp là 100%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% và hơn 80% thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Hiện nay, trường có 14 lớp với 486 học sinh các bậc học; đội ngũ cán bộ, giáo viên gồm 46 người. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, cấp trên sẽ tổ chức thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước bạn Campuchia, Trường đại học Trà Vinh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer cho tỉnh Trà Vinh và khu vực Nam Bộ. Ðồng thời, có nhiều chính sách ưu đãi về học phí, ký túc xá dành cho sinh viên, lưu học sinh nước ngoài.

Năm 2023, Trường đại học Trà Vinh phối hợp Ban Tổ chức Trung ương mở khóa bồi dưỡng tiếng Khmer dành cho cán bộ theo Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Học viên của khóa học này chủ yếu là cán bộ đang công tác tại các cơ quan thuộc các bộ: Công an, Kế hoạch và Ðầu tư, Quốc phòng, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Ðồng Tháp, Tây Ninh. Sau khóa học, học viên được trau dồi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Khmer để nâng cao khả năng giao tiếp, vận dụng trong công tác quản lý và phục vụ nhân dân.

Tỉnh Sóc Trăng có dân số gần 1,2 triệu người, trong đó gần 36% là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục và đào tạo được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Do đó, chất lượng giáo dục dân tộc có chuyển biến tích cực, duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đạt từ 99% trở lên.

Giai đoạn 2021-2025, hưởng lợi từ tiểu dự án củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, tỉnh có bảy trường được sửa chữa, nâng cấp với tổng mức đầu tư 122 tỷ đồng. Ðến nay, 100% số trường học trên địa bàn tỉnh được kiên cố, 82% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2. Sóc Trăng hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp học và 3.352 học sinh; trong đó bậc trung học cơ sở là 72 lớp với 2.332 học sinh, bậc trung học phổ thông có 30 lớp với 1.020 học sinh -Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Sóc Trăng, Châu Tuấn Hồng

Nâng cao trình độ dân trí dân tộc thiểu số

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, dân số của tỉnh hiện có 1,1 triệu người, trong đó hơn 31% là đồng bào Khmer. Trà Vinh hiện có tám trường phổ thông dân tộc nội trú, một trường trung cấp Pali-Khmer, một trường cao đẳng y tế, một trường cao đẳng nghề và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các cơ sở dạy nghề với nhiều lĩnh vực đào tạo đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Trà Vinh có khoảng 2.500 sinh viên là người Khmer học ở bậc đại học và cao đẳng; khoảng 72.000 học sinh các cấp, chiếm tỷ lệ 35% so với tổng số học sinh. Toàn tỉnh có 134/143 chùa dạy tiếng Khmer cho các tăng sinh, học sinh trong các kỳ nghỉ hè. Năm học 2023-2024, Trà Vinh có khoảng 75.000 học sinh dân tộc Khmer, chiếm 35,3% so với tổng số học sinh của tỉnh. Số lượng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.

Thực hiện kế hoạch dạy và học tiếng Khmer trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giai đoạn 2022-2030, năm học 2022-2023, có 121 trường dạy tiếng Khmer với hơn 28.000 học sinh tham gia. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục duy trì việc dạy và học tiếng Khmer thử nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Phối hợp với Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh sản xuất chương trình dạy học, bổ trợ kiến thức học sinh phát sóng trên kênh 2 của đài. Từ tháng 9/2022 đến nay, đài đã phát sóng hơn 2.000 tiết dạy tiếng Khmer tiểu học, bổ trợ kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, góp phần nâng cao trình độ dân trí dân tộc thiểu số.

Tỉnh có hơn 261.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,9% dân số của tỉnh, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 13%. Toàn tỉnh có sáu trường phổ thông dân tộc nội trú với số lượng gần 1.700 học sinh cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hằng năm, tỉnh có hơn 4.000 người dân tộc thiểu số học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động sau khi học nghề xong - Danh Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang

Ngoài thực hiện chính sách của Nhà nước dành cho học viên, các trường đào tạo nghề ở Kiên Giang cũng vận động các đơn vị, tổ chức tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có gia cảnh khó khăn. Trong dịp nghỉ hè hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức dạy tiếng Khmer tại các chùa Khmer với 2,5 tháng học, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 tăng sinh, học sinh theo học.

Ngoài ra, Hội Tương tế người Hoa trong tỉnh cũng tổ chức mở lớp dạy tiếng Hoa, mỗi năm mở năm đến bảy lớp với 100 học sinh theo học. Nhờ việc thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Kiên Giang có 3.895 đảng viên, 2.912 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer. Trong đó, có 277 đảng viên người Khmer tham gia các cấp ủy; một đại biểu Quốc hội, 372 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Kiên Giang thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển dành cho hơn 400 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được địa phương bố trí công tác và gắn bó lâu dài với quê hương.

Dược sĩ Thị Xa Nhân, dân tộc Khmer, công tác tại Khoa Dược trang thiết bị, vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn. Ðược thụ hưởng chính sách đào tạo cử tuyển, tôi không phải đóng học phí trong suốt quá trình học tập, tỉnh hỗ trợ học bổng mỗi quý. Khi ra trường, tôi được bố trí công việc đúng với chuyên môn, góp sức xây dựng quê hương”. Chị Thị Xa Nhân còn cho biết thêm, ngoài thời gian công tác chuyên môn tại đơn vị, khi về khu dân cư nơi sinh sống chị luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống bệnh sốt xuyết huyết,… cho người dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo MINH KHỞI - THANH PHONG - QUỐC TRINH (Báo Nhân Dân)