ĐBSCL hướng tới nền nông nghiệp xanh

08/04/2024 - 06:08

 - Lần đầu tiên trên thế giới, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho vùng nguyên liệu lúa chuyên canh lên đến 1 triệu ha được công bố và ban hành. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới để ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL tăng trưởng xanh và bền vững.

Tạo đột phá mới

Sau khi triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” tại tỉnh Kiên Giang (địa phương có diện tích, sản lượng lúa đứng đầu cả nước), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục chọn An Giang (tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ hai cả nước) để giới thiệu, phổ biến quy trình và sổ tay hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Quy trình kỹ thuật mới này là kết quả dày công nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cùng Sở NN&PTNT của 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia đề án (tỉnh Bến Tre không tham gia). Hội thảo giới thiệu, phổ biến quy trình kỹ thuật thu hút sự quan tâm lớn không chỉ của các tỉnh tham gia đề án, mà còn có các viện, trường, hiệp hội ngành hàng, DN, hợp tác xã (HTX), các chuyên gia, các tổ chức quốc tế...

Công bố “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, An Giang có tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 600.000ha, tổng sản lượng khoảng 4 triệu tấn lúa. Trong đó, có gần 100.000ha liên kết theo chuỗi giá trị với 30 DN, chiếm 16% diện tích canh tác.

“Trong bối cảnh ngành hàng lúa gạo còn đối mặt nhiều khó khăn, hạn chế, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL phát triển lúa gạo theo xu hướng bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.

Thông qua tiếp cận Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh trong vùng định hướng, tuyên truyền và tập huấn, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh. Đây là điều kiện rất quan trọng để đề án triển khai và thực hiện hiệu quả tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Trao đổi về hợp tác, hỗ trợ của các tác nhân đối với đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”

Phối hợp đồng bộ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai hiệu quả đề án cũng như Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, các tỉnh cần quan tâm xây dựng, nâng chất HTX, xem HTX là chủ lực để liên kết với DN, ổn định đầu vào và đầu ra theo hướng bền vững. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng, bởi đây là lực lượng đồng hành hướng dẫn quy trình canh tác, đánh giá tiến độ và hiệu quả, chất lượng của đề án.

“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp IRRI triển khai quy trình kỹ thuật canh tác; phối hợp các tổ chức quốc tế, viện, trường, DN tập huấn, đưa quy trình kỹ thuật đến với nông dân để triển khai đề án đạt hiệu quả cao nhất” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin.

Tặng sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” cho đại diện 12 tỉnh tham gia đề án

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc IRRI Joanna Kane-Potaka cho rằng, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là ý tưởng canh tác lúa phát thải thấp có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay.

“Điều đó cho thấy đóng góp tích cực của Việt Nam vào nỗ lực tăng trưởng xanh của thế giới. IRRI rất vinh dự và tự hào khi được đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án quan trọng này. Khi được triển khai thực hiện tốt, Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở vùng ĐBSCL có thể là mô hình mẫu để các quốc gia sản xuất lúa học tập theo” - bà Joanna Kane-Potaka nhấn mạnh.

Nông dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Theo TS Nguyễn Văn Hùng (nhà khoa học cấp cao của IRRI), quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL bao quát toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất lúa, gồm 3 hợp phần: Kỹ thuật canh tác; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ.

Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của đề án. Mục tiêu của quy trình nhằm giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân; tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí phát thải.

Nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL

“Khi nông dân thay đổi thói quen, tập quán canh tác, như: Giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý để giảm lượng phân và số lần bón, giảm thời gian giữ nước trên ruộng khi không cần thiết, quản lý dịch hại thông minh hơn... sẽ vừa tiết kiệm được chi phí, vừa giảm phát thải đáng kể, tiến tới xanh hóa ngành hàng lúa gạo, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Với kỹ thuật, công nghệ quản lý, tái chế rơm rạ, phế phẩm trong sản xuất lúa sẽ trở thành hàng hóa có ích, tăng thêm thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, DN” - TS Nguyễn Văn Hùng đánh giá.

Hội thảo giới thiệu, phổ biến quy trình và sổ tay hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL do An Giang đăng cai tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ quán New Zealand, Quỹ Hợp tác phát triển Đài Loan (TaiwanICDF), cùng các DN, như: Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời... Các đại biểu đánh giá cao và thể hiện sự đồng hành, thống nhất trong triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.


NGÔ CHUẨN