Để công tác khuyến học đi vào chiều sâu

28/07/2023 - 04:21

 - Với phương châm “Không để sót, không trùng lắp đối tượng thụ hưởng, không để học sinh, sinh viên vì nghèo khó mà phải bỏ học”, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang, Hội Khuyến học tỉnh, Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang cùng hợp tác nhằm đưa công tác khuyến học đi vào chiều sâu.

Đây là sự kiện được đông đảo phụ huynh, học sinh, sinh viên, các cấp chính quyền, đặc biệt là hội khuyến học các cấp rất quan tâm. Bởi, từ trước đến nay, việc này chưa có tiền lệ. Khi 3 đơn vị này cùng thống nhất với nhau, mở ra rất nhiều nét mới trong việc hỗ trợ, tiếp sức học sinh, sinh viên; nhất là không bỏ sót, trùng lắp đối tượng thụ hưởng, không để các em vì nghèo khó mà phải bỏ học. Việc hợp tác này sẽ làm cho công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh vốn đã mạnh, nay càng bền vững hơn.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang Trần Thế Loan, ngoài ý nghĩa về mặt xã hội, việc hợp tác sẽ làm tăng thêm sức mạnh của từng đơn vị, giúp các bên hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo thành lực lượng nòng cốt, thu hút mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân khác tham gia đầu tư cho nguồn nhân lực của tỉnh để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lãnh đạo các đơn vị quyết tâm thực hiện chương trình hợp tác

Về nguyên tắc hợp tác, mỗi đơn vị chủ động thực hiện đúng các quy định của cấp trên hoặc điều lệ của đơn vị mình; các bên đều bình đẳng trong quá trình thảo luận, quyết định thực hiện nội dung hợp tác. Đẩy mạnh trao đổi thông tin để thông suốt các tiêu chí, thể thức, hình thức cho vay, cũng như việc trao học bổng và tiếp sức tài năng. Tùy chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cho phép, mỗi đơn vị sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các loại hình hoạt động để các em học sinh, sinh viên, nhất là phụ huynh hiểu và thông suốt, rộng đường lựa chọn, khi có nhu cầu vay vốn, hỗ trợ, tiếp sức…

Khi tiếp nhận hồ sơ, mỗi đơn vị sẽ rà soát và giới thiệu, nếu hồ sơ đáp ứng các điều kiện của đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ tiếp nhận hỗ trợ theo tiêu chí, điều lệ. Hàng năm, nếu thấy cần thiết, cả 3 đơn vị sẽ cùng kiến nghị với chính quyền địa phương về những nội dung liên quan đến việc hợp tác giữa 3 bên và công tác khuyến học - khuyến tài.

 “Các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, là con em đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Khi kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác được ban hành, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến phum, sóc, giúp phụ huynh, học sinh, sinh viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, để sớm tiếp cận vốn mà chương trình hỗ trợ” - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tri Tôn Néang Kim Chen chia sẻ.

Ngay sau khi thỏa thuận hợp tác được 3 đơn vị ký kết ngày 11/6/2023 Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã giao đơn vị chuyên môn của ngân hàng làm đầu mối phối hợp và tham mưu, chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, triển khai thực hiện.

Hội Khuyến học tỉnh An Giang làm đầu mối, phối hợp, hướng dẫn tổ chức hội các cấp (thuộc hệ thống) triển khai thực hiện chương trình. “Khi nghe thông tin về chương trình hợp tác này, chúng tôi rất vui mừng. Bởi ruộng đất của chúng tôi rất ít, sống chủ yếu bằng nghề mua bán. Nhưng hiện nay, việc mua bán gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi luôn động viên con em mình cố gắng học tập. Chỉ có học mới giảm được nghèo, ổn định cuộc sống” - ông Mách Sa Lế (ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

“Mục đích, yêu cầu của việc hợp tác là nhằm đạt được kết quả cao nhất trong việc thực hiện phương châm, “Không để sót, không trùng lắp đối tượng được thụ hưởng, không để học sinh, sinh viên vì nghèo khó mà phải bỏ học” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh khẳng định.

MINH HIỂN