Để du lịch là động lực phát triển kinh tế của tỉnh An Giang

03/05/2021 - 05:42

 - Giai đoạn 2021-2025, An Giang tiếp tục xác định du lịch (DL) là động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, xác định khâu đột phá: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL. Giai đoạn 2021-2025, ngành DL An Giang phấn đấu sẽ đón 42 triệu lượt khách; dự kiến doanh thu 27.800 tỷ đồng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch

An Giang có nhiều di tích văn hóa, lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên phong phú; kết cấu hạ tầng DL, các khu vui chơi, giải trí trong tỉnh tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, tạo lợi thế so sánh để An Giang trở thành trung tâm DL của vùng và là động lực để phát triển kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định một trong những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này là: phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa sản phẩm DL, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… nhằm thu hút, giữ chân du khách.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để cụ hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và DL. Đồng thời, phát triển các loại hình dịch vụ DL. Xây dựng hạ tầng DL phù hợp với quy hoạch, có chiến lược, trọng tâm, trọng điểm. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành DL; phát triển ngành DL của tỉnh An Giang theo hướng “DL văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

Bên cạnh việc phát triển DL phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đầu tư phát triển hạ tầng DL vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng giáp biên, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng DL, trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng DL. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, ngành DL An Giang đón 42 triệu lượt khách; dự kiến doanh thu 27.800 tỷ đồng. Đến năm 2025, có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm và các thành phố lớn, như: Long Xuyên, Châu Đốc.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về DL. Theo đó, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch để làm cơ sở cho các hoạt động DL phát triển. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia hoạt động trong lĩnh vực DL chấp hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thành lập các khu, điểm DL cấp tỉnh và hướng đến hình thành các khu DL cấp quốc gia. Tiến hành thực hiện quy trình, thủ tục để thành lập những mô hình đạt chuẩn phục vụ khách DL. Nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở lưu trú, lữ hành trong hoạt động kinh doanh DL; nâng cao chất lượng môi trường DL; các cơ sở cung ứng dịch vụ DL, trang bị các kỹ năng mềm, góp phần cải thiện kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử đối với khách tham quan DL. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với hoạt động DL.

Khu du lịch núi Cấm

Chú trọng, quan tâm phát triển sản phẩm DL đặc thù của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển: Khu DL núi Sam, núi Cấm, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích văn hóa lịch sử Óc Eo - Ba Thê và Khu DL núi Sập theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh DL và cộng đồng địa phương khai thác các tour, tuyến DL mới. Tổ chức các chương trình lễ hội truyền thống các dân tộc và phát triển các loại hình văn hóa - nghệ thuật của các dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer. Giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương; phát triển các sản phẩm DL đường sông; lồng ghép với các tour DL liên kết vùng nhằm giới thiệu những nét văn hóa, các ngành, nghề truyền thống.

Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Thanh Hùng

Chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong ngành DL và tại các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá DL. Mở rộng liên kết và phát triển DL An Giang với tỉnh, thành phố trong nước để làm phong phú, đa dạng các sản phẩm DL đặc trưng của địa phương, thu hút du khách. Đầu tư, tích cực mời gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án vui chơi giải trí, cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực DL, trong đó chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề DL cho doanh nghiệp, người dân và cộng đồng… Khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; gắn kết phát triển sản phẩm DL làng nghề… Thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm thu hút và giữ chân du khách; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh DL của tỉnh.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích