Đề xuất chính sách hỗ trợ học sinh đến trường

30/12/2021 - 09:18

 - Dịch bệnh khiến không ít người dân mất thu nhập, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Đặc biệt, con em của họ đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, càng nặng gánh kinh tế trên vai. Góp ý kiến đến Quốc hội, cử tri tỉnh nhà đề nghị bổ sung, mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 là học sinh, sinh viên người DTTS Khmer; mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ là “Xã thuộc khu vực 1”; xem xét không thu học phí có thời hạn đối với sinh viên trường cao đẳng, đại học... Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa trả lời ý kiến, kiến nghị trên.

Theo Bộ GD&ĐT, Khoản 12, Điều 15, Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27-8-2021 của Chính phủ (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo) quy định: “Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người DTTS có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ, hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy, nhóm đối tượng trên được miễn học phí.

Về nội dung nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ là tất cả học sinh, sinh viên người DTTS Khmer, Bộ GD&ĐT nhận định rằng, sẽ tác động tăng chi ngân sách trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế. Do đó, Bộ GD&ĐT xin ghi nhận ý kiến cử tri, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung vào thời gian phù hợp.

Điểm c, Khoản 1, Điều 16, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định đối tượng miễn 70% học phí gồm: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người DTTS (ngoài đối tượng DTTS rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Ngoài ra, Nghị định 81/2021/NĐ-CP bổ sung quy định thêm đối tượng được miễn học phí theo lộ trình để thực hiện Luật Giáo dục 2019, cụ thể: Miễn học phí học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền từ năm học 2022-2023. Miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi ngoài vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2024-2025. Miễn học phí cho học sinh THCS ngoài vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2025-2026. Như vậy, trẻ em, học sinh từ bậc học mầm non 5 tuổi đến THCS ở khu vực I vùng DTTS và miền núi sẽ được miễn học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Đối với sinh viên thuộc khu vực I vùng DTTS và miền núi, Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của cử tri, sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp, đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chi phí học tập là vấn đề lớn đối với sinh viên, gia đình, đặc biệt hộ gia đình có hơàn cảnh kinh tế khó khăn. Để hỗ trợ sinh viên giảm bớt khó khăn, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT quy định mức học phí năm học 2021-2022 giữ nguyên, không tăng so với năm học 2020-2021.

Ngoài ra, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD&ĐT, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 1505/BGDĐT-KHTC, ngày 16-4-2021 và Công văn 3277/BGDĐT-KHTC, ngày 4-8-2021 gửi bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và quán triệt cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nghiêm túc thực hiện chủ trương giữ ổn định học phí năm học 2021-2022 (không tăng so với năm học 2020-2021) để chia sẻ khó khăn chung với người dân và xã hội. Đồng thời, trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cơ sở giáo dục cần có chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian đóng học phí và khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT với thủ tục đơn giản. Từ đó, hỗ trợ người học, đảm bảo cho sinh viên còn nợ, chưa nộp học phí được đăng ký học và thi bình thường. Không để sinh viên phải bảo lưu hoặc nghỉ học do nguyên nhân chưa đóng, hoặc nợ học phí trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Việc mở rộng đối tượng không thu học phí có thời hạn đối với sinh viên sẽ tác động đến khả năng cân đối, do điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay còn hạn chế. Bộ GD&ĐT tiếp tục ghi nhận ý kiến cử tri và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp.

GIA MINH