Livestream là một hình thức truyền tải video trực tiếp thông qua Internet đang trở thành một trào lưu “hot” trong giới trẻ. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối mạng, bất kỳ ai cũng có thể tự tổ chức 1 buổi phát sóng trực tiếp để chia sẻ những khoảnh khắc hiện tại của mình trên mạng xã hội.
Để thực hiện 1 buổi livestream, người dùng chỉ cần nhấp vào ứng dụng trên màn hình, làm theo hướng dẫn và chọn chế độ công khai. Khác với việc quay video đăng tải, với livestream, người phát và người xem có thể tương tác với nhau. Người xem có thể bình luận trực tiếp khi đang xem và người đang livestream sẽ trả lời. Khi kết thúc, video sẽ được đưa trên trang cá nhân của người sử dụng.
Dạo quanh một vòng trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, TikTok… không khó để tìm ra những người livestream với nhiều mục đích khác nhau. Livestream nhằm mục đích lan tỏa sự kiện, nét văn hóa đẹp, như: Những cuộc thiện nguyện, cứu người gặp nạn, những hành động đẹp giữa đời thường hay các sự kiện văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…
Chị Lê Thị Thảo Vy (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trong 1 lần tham gia sự kiện văn nghệ lớn của tỉnh tổ chức, thu hút đông người xem, tôi thấy có rất nhiều người tham gia livestream. Họ khoe với bạn bè đang ở sự kiện lớn, người lại nhằm vào quay những góc hình “nóng” để câu like, câu view”.
Các video livestream của streamer thu hút hàng chục đến hàng trăm lượt xem
Nhưng hiện nay, trên các trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, TikTok… rất dễ bắt gặp những video livestream nhiều câu chuyện “độc”, “lạ”, như: Chửi nhau, đánh ghen, đòi nợ, những hành động lố lăng, lễ tang những người nổi tiếng, khen chê các món ăn tại các quán…
Còn có các cô gái trẻ lợi dụng livestream khoe thân, uốn éo, cố ý ăn mặc “ít vải” để lộ các bộ phận nhạy cảm, ăn nói tục tĩu… thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn lượt theo dõi, thậm chí người xem còn tương tác tặng quà, tặng tiền để cổ vũ.
Thời gian qua, cũng có một số vụ việc, vụ án thương tâm, nghiêm trọng xảy ra cũng được nhiều người livestream đăng tải trên mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng, như: Tai nạn giao thông, tự tử, sử dụng hung khí gây thương tích… Điều đáng nói, những vụ việc này đều có những tình tiết, hình ảnh có tính chất bạo lực, tiêu cực, ghê rợn nhưng lại được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội bằng hình ảnh, livestream video không che đậy, gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Anh Lê Văn Thanh (TP. Long Xuyên) chia sẻ: "Tôi thường xuyên sử dụng TikTok để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, gần đây, trên TikTok xuất hiện nhiều video có nội dung không lành mạnh, phản cảm, gây khó chịu cho người dùng”.
Đặc biệt, hiện nay, xuất hiện rất đông các streamer (người quay video livestream) và những người này rất dễ nhận ra trong đám đông, như: Túi xách trước ngực, điện thoại cầm tay chạy lăng xăng tìm điểm nóng của vụ việc. Họ sẵn sàng chen lấn, nói rất nhiều trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ, hành động thiếu văn minh, bình luận bôi xấu người này, tung hô người kia nhằm tăng lượt thích, lượt xem, chia sẻ và bình luận trên tài khoản của mình.
Câu chuyện về một người đàn ông tự tu tập theo hạnh đầu đà, đầu trần, chân đất đi bộ trên đường qua nhiều địa phương trong thời gian gần đây là một ví dụ. Vậy nhưng các streamer đã đồn thổi ông trở thành “hiện tượng trên mạng xã hội”.
Rất nhiều camera điện thoại, rất nhiều góc quay của rất nhiều streamer và người dân hiếu kỳ về hành trình, cuộc sống hàng ngày… làm mất sự riêng tư của cá nhân người đàn ông này. Cùng với đó, những câu chuyện bên lề, suy luận, diễn giải… mà các streamer nói trong khi livestream nhằm gây sự chú ý trên mạng xã hội. Mục đích cuối cùng của những người này rất dễ nhận thấy, đó là họ đều hướng đến việc kiếm tiền qua mạng xã hội. Lượt truy cập, lượt thích, lượt xem, chia sẻ và bình luận… vào tài khoản cá nhân càng nhiều thì “thương hiệu” của họ càng mạnh, càng thu hút thêm khách hàng hoặc số lượng người thích, lượt xem, chia sẻ và bình luận càng đông đảo. Bằng chiêu trò câu like, câu view, những streamer này sẽ nhận được tiền quảng cáo, tiền thưởng từ người xem…
Nhiều người không đồng tình và lên án mạnh mẽ việc một số người trẻ livestream phản cảm. Chị Dương Thị Minh Châu (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thấy việc các bạn trẻ livestream hở hang, trêu đùa, nói tục quá đà, hay xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người khác… không chỉ thiếu tôn trọng người xem mà còn thể hiện sự nông cạn, thiếu văn hóa trong nhận thức”.
Tương tự, chị Trần Thị Cẩm Tú (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội, nhất là trong dịp nghỉ hè này. “Trên mạng xã hội có quá nhiều video livestream phản cảm. Những thể loại kiểu này tôi sẽ chặn ngay, chúng ta lớn sẽ biết video nên xem, còn con mình còn nhỏ, khi xem những video này rất dễ bị ảnh hưởng nên phụ huynh phải hết sức cẩn thận”- chị Tú bày tỏ.
Sử dụng thông tin trên các trang mạng xã hội và livestream theo đúng nghĩa là điều tất cả mọi người cần lưu ý, không lợi dụng để biến tướng thành công cụ xấu cho những bộc phát hay hành động thiếu suy nghĩ của bản thân, dễ đẩy mình vào con đường vi phạm pháp luật.
Do đó, mỗi cá nhân cần biết chắt lọc, phản hồi những thông tin tốt và xấu trên mạng xã hội. Khi thấy tài khoản mạng xã hội nào livestream phản cảm, chúng ta cần lên tiếng phản đối, không chia sẻ, bình luận. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước cần có biện pháp xử phạt, chế tài nghiêm khắc hơn với những video livestream, những streamer thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa dân tộc Việt Nam hoặc có thể xóa vĩnh viễn các tài khoản này.
NGỌC MAI