Dịch vụ “làm đẹp” cho thú cưng

26/02/2021 - 09:11

 -  Vệ sinh, tắm rửa, chăm sóc toàn diện cho thú cưng là những việc làm mà bất cứ người yêu động vật nào cũng muốn để thể hiện tình yêu thương của mình đối với chúng. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cửa hàng, cơ sở dịch vụ chăm sóc thú cưng ra đời để đáp ứng thú vui của nhiều người.

Gần đây, việc nuôi những giống chó, mèo ngoại nhập được các bạn trẻ, nhiều gia đình có tình yêu động vật ưa chuộng. Vì vậy, nhu cầu của những người nuôi thú cưng ngày càng cao, như: thú cưng phải được vui chơi, chăm sóc, spa, làm đẹp như con người. “Làm đẹp” thú cưng trở thành dịch vụ được ưa chuộng. Đến những cửa hàng chăm sóc thú cưng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, không khó nhìn thấy hình ảnh những lồng chó, mèo chất đầy cửa hàng. Bên trong cửa hàng là hàng chục thú cưng được chủ gửi lại chờ đến lượt tắm rửa, Massage, cắt, tỉa lông, cắt móng...

Chỉ tay vào những chú chó Poodle đang nằm chờ tắm rửa, massage sạch sẽ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bạn Tống Mỹ Khánh (28 tuổi, chủ cửa hàng T.D., phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Những ngày trước, trong và sau Tết là thời gian tụi em phải làm việc hết công suất. Trước Tết, đa phần khách đến làm vệ sinh, cắt tỉa lông gọn gàng cho thú cưng đón Tết. Kèm theo đó là mua thức ăn, quần áo, phụ kiện làm đẹp, dầu thơm… cho chó hoặc mèo.

Trong Tết, cửa hàng em nhận giữ thú cưng cho những khách có nhu cầu đi chơi xa, về quê thăm gia đình vài ngày. Những ngày đó, cửa hàng tụi em “full phòng” (hết lồng). Sau Tết, nhiều gia đình bận rộn với nhiều công việc, không có thời gian tắm gội cho thú cưng nên họ gửi đến cửa hàng tụi em “tút” (làm đẹp) cho tiện”.

Những chú chó Poodle chờ chủ đón sau khi được tắm, vệ sinh, cắt, tỉa lông

Đối với dịch vụ lưu trú cho thú cưng thì tùy vào thời điểm, nhất là lễ, Tết, khách hàng phải đặt “phòng” trước từ vài ngày hoặc vài tuần để tránh tình trạng “hết phòng”. Để đảm bảo sức khỏe cho những chú chó, mèo, trước khi đến lưu trú tại Spa, một số cửa hàng sẽ đề nghị chủ nhân các thú cưng mang theo sổ theo dõi tiêm ngừa để chứng minh đã được ngừa các bệnh truyền nhiễm. Tùy theo cân nặng, giá lưu trú ngày thường từ 50.000-100.000 đồng/ngày đối với chó và 80.000 đồng/ngày đối với mèo; nếu lễ, Tết sẽ có phụ thu hoặc chủ nhân muốn xem Camera thì chịu thêm phí 30.000 đồng.

“Có gia đình về quê, du lịch nên thường gửi thú cưng tại cửa hàng khoảng 1-2 ngày, thậm chí có người gửi 3-4 ngày. Ở đây, các “Boss” (sếp - chỉ các thú cưng được gửi lưu trú) sẽ được tận hưởng đầy đủ các tiện nghi, cho ăn, uống đầy đủ dinh dưỡng, cho vui chơi, “giao lưu” với nhau và chủ nhân có thể theo dõi thú cưng của mình qua Camera” - bạn Mỹ Khánh cho biết.

Tại các cửa hàng chăm sóc thú cưng còn bán các sản phẩm và dịch vụ cần thiết, như: thức ăn chuyên dụng, thức ăn dinh dưỡng, quần áo, đồ dùng, đồ chơi, mỹ phẩm, thuốc đặc trị, nhà lồng, chuồng nệm… Thậm chí là các linh kiện, phụ kiện đáng yêu dành cho thú cưng. Tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính của chủ nhân, khi đến các “Spa” các bé cún, nàng mèo sẽ “tận hưởng” sự chăm sóc tận tình của các nhân viên chuyên nghiệp, với các dịch vụ, như: massage, hấp dầu, cắt, tỉa lông cho đến tắm, gội đầu, làm móng chân, vệ sinh tai, cho ăn, đi vệ sinh, ngủ…

Đắt hàng nhất là dịch vụ cắt, tỉa lông thú cưng theo kiểu, tắm và khử mùi hôi, dưỡng dầu xả mềm mượt lông; vệ sinh tai, sấy và chải lông; tỉa mài móng; gỡ rối và làm lông mềm mịn cho thú cưng. Gói tắm vệ sinh (bao gồm: cạo lông bàn chân, cắt móng, vệ sinh tai, cạo lông bụng, vắt tuyến hôi, chải phồng lông và tắm, mỹ phẩm dưỡng lông) giá từ 80.000 - 250.000 đồng/lần; tắm vệ sinh và cắt tạo kiểu giá từ 250.000 - 500.000 đồng/lần đối với chó. Dịch vụ cho mèo phụ phí từ 30.000 - 50.000 đồng (tùy trọng lượng).

Xịt dầu thơm cho chó Poodle trước khi được chủ đón về nhà

Bạn Nguyễn Thị Kiều Tiên (ngụ thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) cho biết: “Hàng tuần, em đều tắm gội tại nhà cho bé Xù (tên chó). Khoảng 1 hoặc 1,5 tháng, em chở bé Xù đến cửa hàng chăm sóc thú cưng ở Long Xuyên để được Spa. Do ở nhà, em không có các dụng cụ cắt, tỉa chuyên nghiệp nên đem Xù đến đây để được các nhân viên vắt tuyến hôi, cạo lông bàn chân, cắt, tỉa lông, tạo kiểu. Dù hơi tốn tiền một tí nhưng đỡ cực và ít mất thời gian cho việc tỉa tót lông cho bé Xù gọn gàng, sạch sẽ”.

Các dụng cụ cần thiết để chăm sóc các thú cưng, gồm: kéo, tông-đơ, lược, máy sấy, đồ mài móng, thuốc vệ sinh tai, mắt, răng, miệng… Spa cho thú cưng là một nghề đòi hỏi người làm nghề phải có tình yêu thương động vật, nắm rõ từng giống chó, tình trạng lông của chó, hiểu rõ “tính tình”, biết cách làm quen với chó, mèo để tránh bị cắn khi tắm gội, cắt, tỉa. Việc cắt, tỉa được xem là một trong những khâu quan trọng, bởi tùy theo giống chó có những kiểu cắt, tỉa đặc trưng. Để làm được điều này, người thợ chăm sóc thú cưng phải được đào tạo bài bản và quan trọng hơn hết là yêu động vật, sự chịu khó, tỉ mỉ và chịu áp lực công việc, nhất là vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết.

MINH THƯ

 

Liên kết hữu ích