Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa

12/08/2024 - 06:36

 - Với lợi thế của một trong 2 tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa của cả nước, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị, vị thế ngành hàng lúa gạo tỉnh An Giang. Trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng.

Quyết tâm của doanh nghiệp

Qua thu hút đầu tư của tỉnh An Giang, Tập đoàn Tân Long đã đầu tư Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), một trong những nhà máy gạo có quy mô lớn và công nghệ hiện đại bậc nhất cả nước hiện nay.

Từ nền tảng ngành gạo của Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần Lương thực A An được thành lập đầu năm 2021, với hệ thống 7 nhà máy sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu đặt tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ.

Với quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi kinh doanh lúa gạo xuất khẩu, Công ty Cổ phần Lương thực A An nhận thấy Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu héc-ta lúa) là cơ hội lớn để cùng HTX, nông dân nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Đại diện công ty cho biết, ngay từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự thảo đề án, công ty đã bắt tay vào xây dựng Đề án ngành gạo với lộ trình từ năm 2024 - 2033 sẽ đạt 5 triệu tấn lúa/năm.

Để dần hiện thực hóa đề án, Công ty Cổ phần Lương thực  A An  đã tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL” (TRVC) của Tổ chức Phát triển Hà Lan, với diện tích tham gia ban đầu hơn 600ha tại tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đồng thời, triển khai hợp tác liên kết bao tiêu lúa cho HTX và nông dân trên địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Công ty Cổ phần Lương thực A An cho rằng, để triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu héc-ta lúa, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa DN, HTX và nông dân phải chặt chẽ và bền vững. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn về nhận thức trong giao dịch hợp đồng liên kết, tính tuân thủ hợp đồng cũng như cam kết về giá lúa sau khi đã thương lượng, thống nhất giá mua bán giữa các bên.

Đồng thời, phát huy vai trò, tiếng nói của Ban Quản trị HTX với nông dân thành viên, đủ sức đại diện cho nông dân ký hợp đồng liên kết, tiếp nhận vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa (bỏ tập quán sạ dày, giảm sử dụng phân bón hóa học), đưa rơm ra khỏi đồng ruộng (không đốt rơm), chốt được giá lúa khi đến ngày chốt giá theo hợp đồng (từ 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch).

Nâng vị thế hợp tác xã

Thực tế thời gian qua, khi DN triển khai hợp đồng liên kết riêng lẻ với từng hộ nông dân, tính tuân thủ hợp đồng thường không cao, dễ bị “bẻ kèo” khi giá lúa thị trường biến động. Do đó, việc thành lập HTX để đại diện nông dân ký hợp đồng liên kết, đảm bảo tính ràng buộc pháp lý cao hơn trong triển khai thực hiện là yêu cầu cần thiết. Đây là cơ sở để Đề án 1 triệu héc-ta lúa triển khai khả thi trong thực tế.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Sơn Hòa (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn), sau khi thành lập (ngày 30/6/2020) có đầy đủ tư cách pháp nhân, với hội đồng quản trị có 3 người; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cử cán bộ giữ chức danh giám đốc; có kiểm soát viên, kế toán và thủ quỹ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn Hòa Nguyễn Thanh Vũ cho biết, nếu như khi mới thành lập, diện tích ký hợp đồng liên kết với DN sản xuất và tiêu thụ lúa mới đạt 203ha (vụ thu đông 2020) thì đến nay đã tăng lên 671ha. Thời gian đầu, HTX chỉ phục vụ nhu cầu phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng máy bay (Drone) thì hiện nay, HTX đã cung ứng đầy đủ các dịch vụ, như: Máy cày, máy cắt, máy bay phun thuốc, sạ giống, sạ phân, máy cuộn rơm...

Việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa HTX với DN khá chặt chẽ. Hợp đồng sản xuất thực hiện theo từng vụ, từng mô hình và tiêu chuẩn chất lượng lúa (“1 phải, 5 giảm”, SRP...); HTX cung cấp toàn bộ vật tư nông nghiệp, gồm: Giống, phân bón, thuốc BVTV, đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng để thành viên và nông dân an tâm sản xuất đến cuối vụ.

Tương tự như HTX Nông nghiệp Sơn Hòa, nhờ hoạt động hiệu quả nên HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) đã tăng vốn điều lệ lên 500 triệu đồng, với 112 thành viên tham gia, so vốn điều lệ 300 triệu đồng và 93 thành viên khi mới thành lập (ngày 31/8/2015).

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình Nguyễn Văn Tắc cho biết, HTX luôn nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, điển hình như UBND thị trấn Vĩnh Bình đã tham mưu UBND huyện Châu Thành hỗ trợ 1.507m2 đất công, cho HTX vay 400 triệu đồng (lãi suất 0%) để đối ứng 20% vốn trong dự án 2 tỷ đồng để xây dựng trụ sở hoạt động (theo Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2023, HTX còn được Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ thiết bị Drone trị giá 495 triệu đồng (theo phương thức đối ứng 50/50) để phục vụ thành viên.

HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình chuyên sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống chất lượng cao theo phương thức hợp đồng liên kết với DN, được DN cung cấp vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV đầu vào và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra. Nhờ vậy, chi phí giống, phân bón và thuốc BVTV được giảm hơn 10%; việc thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng giúp giảm chi phí trong sản xuất và tăng lợi nhuận. Hàng năm, HTX phân phối lợi nhuận cho thành viên từ 10 - 12%.

Theo các HTX và DN, muốn thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa hiệu quả, cần sự tham gia cộng đồng. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân hiểu để họ tham gia tích cực, vì nông dân là chủ thể và là những người được hưởng lợi ích trước mắt cũng như lâu dài; giải thích cho nông dân hiểu quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế rõ ràng, có mô hình điểm chứng minh để nông dân đồng thuận tham gia.

NGÔ CHUẨN