Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

09/04/2020 - 07:31

 - Ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đang cố gắng duy trì hoạt động, điều chỉnh sản xuất, triển khai các biện pháp hỗ trợ tạm thời để giữ chân người lao động (NLĐ). Trong hoàn cảnh “khó chồng khó” hiện nay, DN và NLĐ đều mong chờ gói an sinh xã hội sớm được thực thi để giảm phần nào gánh nặng.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất và giữ chân người lao động

Lao động giảm việc làm, thu nhập

Chưa có thống kê đầy đủ trong tình hình hiện nay về biến động lao động toàn tỉnh, nhưng đa số DN đều có báo cáo đã giảm lao động, để có thể duy trì hoạt động và chi trả các khoản phí cần thiết. Trong các DN có hệ thống công đoàn, toàn tỉnh có 45.750 đoàn viên thuộc 234 công đoàn cơ sở.

Hầu hết các DN đều gặp khó khăn, đang cố gắng tổ chức, sắp xếp lại hoạt động cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tại khu công nghiệp Bình Long (Châu Phú), do hàng hóa đầy kho, xuất khẩu chỉ được 10% so bình thường nên 500 công nhân lao động Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu Hòa Phát tạm ngưng hoạt động 2 tuần.

Công ty cho biết, không thể đảm bảo mức lương tối thiểu vùng (bình quân 2 triệu đồng/người/tháng) dù vẫn duy trì sản xuất. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Đông Á hiện có 480 lao động (giảm 30 lao động), làm việc 3 ngày/tuần, giảm thời lượng tăng ca và thu nhập chuyên cần, cố gắng hỗ trợ để đủ mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ.

Trong khi đó, Công ty TNHH Bình Long còn 90 lao động, làm việc 2 ngày/tuần, phụ thuộc vào đơn hàng Thái Lan và Châu Âu để có phương án sắp xếp sản xuất. Để giữ chân lao động, công ty hỗ trợ thêm 500.000 đồng và 20kg gạo để đủ theo mức lương tối thiểu vùng.

Tại TP. Long Xuyên, nhiều DN chế biến thủy sản trong tình cảnh khó khăn. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long có số công nhân làm hiện tại là 782 (giảm 250 lao động), sản lượng sản xuất giảm 50%, hàng còn ứ kho không xuất được, không có đơn hàng mới.

Công ty Hưng Phúc Thịnh có tổng cộng 450 lao động, nay chia đợt làm 150 lao động/ngày, luân phiên ngày làm, ngày nghỉ, hiện hàng còn tồn kho chỉ làm ở khâu đóng gói, cũng không có đơn đặt hàng. Để giải quyết chế độ cho NLĐ, công ty vẫn trả lương tối thiểu mỗi công nhân từ 3.920.000 đồng trở lên.

Ở lĩnh vực may mặc, DN không bị ảnh hưởng quá nặng nề, vẫn trả lương bình thường cho NLĐ nhưng đang gặp khó về tài chính, nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra. DN trong ngành may mặc, dịch vụ, du lịch… trên địa bàn tỉnh An Giangvđều có những khó khăn nhất định, có nguy có trong những tháng tới không đủ khả năng trả lương, thậm chí dù chỉ hỗ trợ một phần cho lao động.

Kỳ vọng ở gói hỗ trợ an sinh

Đối với các DN, việc giữ chân NLĐ trong lúc này cũng quan trọng không kém nhiệm vụ duy trì sản xuất. Vì từ năm ngoái đến nay, nhiều công ty đã gặp khó khăn trong tuyển dụng, phải nhờ ngành chức năng và địa phương tiếp sức nhưng số lượng vẫn không đủ.

Mặt khác, DN cho rằng, họ đã bỏ chi phí lớn, công đào tạo cho NLĐ trong thời gian nhất định. Lao động gắn bó với công ty từ 1 năm trở lên đều có chuyên môn, tay nghề tốt, không dễ để tuyển dụng và bắt đầu lại với đội ngũ nhân sự mới khi tình hình sản xuất trở lại bình thường. Các công ty vẫn cố gắng đảm bảo trả đủ lương, chế độ cho NLĐ trong thời gian phòng, chống dịch bệnh. Một số DN quá khó khăn thì chi trả theo sản phẩm và hỗ trợ thêm tiền xăng, nhà ở, thưởng chuyên cần...

Còn những ngày nghỉ không theo kế hoạch, công ty sẽ thanh toán bằng lương chờ việc theo quy định. Giải pháp tạm thời được lãnh đạo DN, công đoàn trình bày rõ và được NLĐ đồng cảm chấp nhận trên tinh thần cùng nhau vượt khó. Trong môi trường làm việc, DN vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn sức khỏe của NLĐ, tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động sản xuất dù cầm chừng vẫn phải chất lượng, hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, thất thu…

Suốt thời gian qua, công đoàn luôn theo dõi tình hình hoạt động của DN và phương án chi trả tiền lương, thu nhập cho NLĐ nghỉ việc, giãn thời giờ làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng chuẩn bị phương án kịp thời giải quyết những khó khăn cho DN, phòng ngừa tranh chấp lao động dẫn đến đình công, lãn công ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Lao động và DN cũng đang mong gói hỗ trợ của Chính phủ sớm được triển khai để họ giảm bớt khó khăn. Theo đó, Chính phủ sẽ có mức hỗ trợ từ 500.000-1.800.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng, để san sẻ với khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong đó có đối tượng lao động bị mất việc, giãn việc.

MỸ HẠNH