Độc đáo với robot phun thuốc trừ sâu

10/10/2018 - 07:37

 - Thầy giáo Trần Trung Hiếu (sinh năm 1985, quê ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi, Châu Thành) với “chất nông dân (ND)” từ những ngày thơ bé đã “ấp ủ” nhiều ý tưởng độc đáo để cho ra đời “Robot phun thuốc trừ sâu”. Ý tưởng của anh cũng vừa được chọn vào “Top” 10 trong kỳ thi “Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên” lần thứ nhất do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, sớm gắn bó với ruộng đồng giúp anh ý thức sâu sắc về sự nhọc nhằn của người ND. Do vậy, dù theo học ngành Tin học và đang giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Châu Thành), Hiếu luôn ấp ủ các ý tưởng sáng tạo các máy móc thiết bị giúp công việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Qua thực tế những năm gần đây, địa phương gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động thời vụ để bón phân, sạ lúa, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, từ đó Hiếu đã mày mò sáng tạo nên những chiếc máy giúp thay thế các phần việc của con người. Các máy sạ hàng đa năng, “Robot phun thuốc trừ sâu” của anh có thể không phải là những ý tưởng quá mới mẻ trong phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đó là sự khác biệt ở công nghệ, sự vận hành bằng nguồn năng lượng mặt trời, bằng chiếc điện thoại thông minh điều khiển Robot làm việc theo chương trình được lập trình sẵn.

Anh Hiếu giới thiệu robot nông nghiệp đến cuộc thi Startup Wheel Việt Nam

“Tôi đã thấm thía cảnh ND phải vất vả đi mua xăng để vận hành bình xịt, quảy cả bình phun xịt thuốc hàng giờ, đôi khi máy bị hư hỏng lại phải mang về hì hục sửa chữa. Do vậy, tôi đã nghĩ đến làm một chiếc bình không dùng xăng, không dùng bình ắc quy hay bằng bình sạt điện mà tích hợp những bảng năng lượng mặt trời tạo thành năng lượng vận hành bình xịt. Hiệu quả cho thấy, một lao động khi sử dụng bình có thể phun xịt đến 30 bình/ngày, ngày ít nắng có thể xịt từ 10-15 bình/ngày” - anh Hiếu chia sẻ. Anh Trần Văn Dài (ngụ xã Vĩnh Lợi) cho biết: “Dùng bình xịt năng lượng mặt trời tiết kiệm được thời gian và cả lượng thuốc phun xịt. Trước đây, một công lúa tôi phải tốn đến 2 bình xịt thuốc, giờ thì chỉ tốn 1 bình mà năng suất lúa vẫn được đảm bảo”.

Không hài lòng ở đấy, đến năm 2017, anh Hiếu cải tiến bình xịt thành một chiếc xe phun xịt tự động, giúp làm việc nhanh hơn và giúp ND không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Là giáo viên dạy Tin học nên việc viết phần mềm “Chú nông Robot” khá đơn giản, thế nhưng việc thiết kế bản vẽ, chế tạo từng chi tiết máy là luôn là những thách thức bởi anh chưa qua trường lớp về chế tạo cơ - điện tử. Vượt qua bao khó khăn, cộng với niềm đam mê và sự kiên trì, cuối cùng anh Hiếu đã hoàn thiện “Robot phun thuốc trừ sâu”. Sản phẩm của anh hoàn toàn thuyết phục Ban Giám khảo tại Hội thi Start up Wheel Việt Nam, với các tính năng nổi trội: điều khiển hoàn toàn bằng điện thoại thông minh, giảm chi phí vận hành bình xịt, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất (SX), với công suất hoạt động từ 15-20ha/ngày, thay thế từ 5-7 nhân công lao động.

Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ đất làm lúa với diện tích 100-200 công đất ở các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An đều mong muốn được sử dụng dịch vụ và đặt hàng Robot. Bởi tính ra giá dịch vụ của Robot rẻ hơn so với giá thuê nhân công. Hơn nữa, Robot làm nhanh hơn, khách hàng không phải chờ đợi lâu, gây ảnh hưởng đến lịch SX và đảm bảo năng suất lúa tốt hơn. “Trước nhu cầu của thị trường, trước hết tôi tính đến việc hoàn thiện Robot và làm dịch vụ trải nghiệm. Trong quá trình đó sẽ phát hiện ra sai sót, khuyết điểm để nâng cấp, lập trình động cơ vận hành tốt hơn. Đến khi hoàn chỉnh sản phẩm, tôi mới nghĩ đến việc kêu gọi đầu tư, liên kết doanh nghiệp để SX Robot rộng rãi, hướng đến nhóm khách hàng đầu tư máy làm dịch vụ nhà nông, những ND SX với diện tích từ 3ha trở lên hay các hợp tác xã, những đơn vị sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” - anh Hiếu chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG 

 

Liên kết hữu ích