Độc, lạ trang trại cà cuống lớn nhất miền Tây

23/01/2020 - 07:59

 - Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Cao Nguyễn Đô Lăng (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cà cuống. Hiện, trang trại cà cuống độc đáo của anh Đô Lăng cung ứng con giống khắp nơi, được nhiều người tìm đến học hỏi…

Xuất thân là tài xế lái xe nhưng từ lâu anh Lăng luôn ấp ủ ước mơ có được một mảnh vuờn để làm kinh tế nông nghiệp. Trong một lần đi Tây Ninh, thấy người ta nuôi cà cuống đơn giản mà cho thu nhập cao, anh bắt đầu nảy sinh ý định mang loại côn trùng này về quê nhà để nuôi. Sau khi tìm hiểu và được người bạn hướng dẫn tận tình, anh quyết định mua 150 con giống về nuôi thử.

“Cà cuống là loại côn trùng đặc sản, giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường rất lớn, nên tôi đầu tư. Không ngờ, càng nuôi càng mê nên nhân rộng thành trang trại như hiện nay” - anh Lăng chia sẻ.

Anh Lăng nhớ lại, khi bắt tay vào nuôi loài vật độc đáo này anh gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt khoảng 30% trên tổng số đàn, sau hơn 1 tháng nuôi.

Khi đó, thay vì bán lứa đầu để lấy vốn nuôi lứa mới, anh quyết định để toàn bộ cà cuống trưởng thành nuôi thành con bố mẹ cho sinh sản. Sau thời gian mày mò học hỏi qua sách báo, internet cùng sự hỗ trợ của người bạn ở Tây Ninh, anh đã đúc kết nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật để phát triển, nhân rộng mô hình độc đáo này cho đến hôm nay.

“Giá trị của cà cuống là ở tinh dầu. Tinh dầu của con này chủ yếu nằm ở con đực, con cái chỉ có một phần nhỏ. Ngoài việc dùng để chế biến món ăn, người ta còn dùng để làm nước mắm. Chúng có vị the the tựa mù tạt, nhưng thơm mùi quế, ăn vô sau 3-4 tiếng vẫn còn mùi thơm. Chính vì thế, cà cuống được xem là đặc sản có giá trị kinh tế cao được nhiều người ưa thích” - anh Lăng bộc bạch.

Anh Cao Nguyễn Đô Lăng khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cà cuống

Hiện, anh Lăng đầu tư trang trại 1.600m2 để nuôi cà cuống tại ấp Hòa Phú I, thị trấn An Châu (Châu Thành), với hơn 30 bồn, diện tích trung bình khoảng 3-3,5m2/bồn. Trong đó có 20 bồn nuôi cà cuống bố mẹ sinh sản, các bồn còn lại dùng để nuôi cà cuống con. Tùy từng giai đoạn, cà cuống được anh tách ra nuôi riêng để tiện chăm sóc.

Anh Lăng cho biết, bồn nuôi cà cuống được làm bằng xi măng, cao khoảng 0,8m. Mực nước trong bể nuôi cà cuống lý tưởng nhất là 0,5m, bình quân 15-20 ngày thay nước 1 lần. Mỗi bồn, anh thả nuôi từ 50-60 con cà cuống bố mẹ/m2 là tốt nhất. Bên trên phải có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bay ra ngoài vào ban đêm. Trong bồn nuôi, anh bỏ gạch ống và dựng các cây khô nằm cặp tường để cà cuống bám vào đó trú ngụ. Khi đến lúc sinh sản, chúng tự leo lên cây đẻ trứng.

Thông thường, cà cuống từ lúc mới nở đến 45 ngày tuổi sẽ trưởng thành và có thể xuất bán. Còn cà cuống nuôi khoảng 85-90 ngày tuổi là có thể sinh sản. Đối với con cái sinh sản được 5-6 lần. Dòng đời cà cuống sống khoảng 1,5-2 năm sẽ chết. Cà cuống đẻ được quanh năm, mỗi lần đẻ cách nhau khoảng 1-1,5 tháng. Khi đẻ trứng, cà cuống bò lên cành cây nhô trên mặt nước và đẻ trứng. Mỗi ổ cà cuống cái đẻ từ 100-120 trứng.

Để tỷ lệ trứng nở cao, người nuôi cần lấy ổ trứng ra ngoài để vào thùng xốp chứa nước, đặt mặt trứng quay xuống và cách mặt nước khoảng 30cm. Chỉ cần xịt nước lên ổ trứng mỗi ngày 2 lần, khoảng 5-7 ngày sau nở ra ấu trùng. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác trong khoảng 45 ngày để trở thành con cà cuống trưởng thành.

Anh Lăng chia sẻ: “Dù cà cuống khá dễ nuôi nhưng nhược điểm lớn nhất của loài này là rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Do đó, cà cuống phải được nuôi hoàn toàn trong môi trường sạch, không hóa chất hay cho ăn bằng các sản phẩm thức ăn công nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất là đảm bảo nước phải sạch, thức ăn luôn phải có trong bồn đầy đủ, như: ếch con, nhái, nòng nọc, cá con các loại… Có thức ăn đầy đủ giúp chúng không ăn thịt lẫn nhau, tránh hao hụt”.

Hiện tại trang trại nuôi cà cuống của anh Đô Lăng không đủ cung cấp cho thị trường. Khách hàng muốn mua phải đặt trước cả tháng mới đủ số lượng giao. Cà cuống trưởng thành có thể xuất bán với giá từ 35.000-40.000 đồng/con.

Riêng cà cuống bố mẹ có giá trung bình từ 300.000- 350.000 đồng/con, còn ổ trứng cà cuống được bán với giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/ổ trứng. Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 500-600 con cà cuống, chủ yếu là cà cuống bố mẹ, sau khi trừ hết chi phí, thu lãi từ 30-40 triệu đồng/tháng.

Cà cuống còn gọi là sâu quế, đà cuống. Tên khoa học Belostoma indica Vitalis (Lethocerus indicus Lep) là một côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay, có cơ thể dẹt, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7-8cm. Khi còn non, cà cuống giống như con gián, phần miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn. Giá trị nằm ở túi tinh dầu phần ngực. Chất tinh dầu này không độc, có vị cay, mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn và làm dược liệu có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin…

 

 KHÁNH MY