Sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) khiến cho thu nhập của người nông dân không cao.
Tuy nhiên, hàng hóa nông sản luôn gặp cảnh: “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”. Nguyên nhân chủ yếu là liên kết chuỗi còn yếu kém, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều... Trước những bất cập đó, nền nông nghiệp khu vực này cần sớm đổi mới tư duy để hạn chế những yếu kém trong thực tại và tìm ra một hướng đi mới phù hợp với thực tiễn.
Hằng năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng lúa hàng hóa, cung ứng 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản; đặc biệt, cung cấp đến 80% lượng tôm xuất khẩu và đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Thế nhưng, thu nhập bình quân đầu người lại thấp, được xem là vùng trũng của cả nước.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo để hiến kế, gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp được đưa vào thực tiễn sản xuất, song nông nghiệp vùng châu thổ này vẫn thiếu tính bền vững.
Loay hoay với cây, con
Một thời gian dài, ngành nông nghiệp có một thực trạng là nông dân thấy ai trồng loại cây nào, nuôi con nào có hiệu quả thì “chạy đua” làm theo. Chẳng bao lâu, thị trường bão hòa, giá cả xuống thấp, đầu ra khó khăn, dịch bệnh thường xuyên... Vậy là, người dân đành đốn bỏ, “treo chuồng”, “treo ao” để chuyển sang một mô hình mới với hy vọng khấm khá hơn. Song, cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc.
Hơn 35 năm gắn bó với 1 ha đất lúa của gia đình để lại, ông Nguyễn Văn Minh, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng không khấm khá gì hơn. Tham quan một vòng khu ruộng, ông Minh tâm sự: “Làm lúa sao mà giàu. Có được hạt gạo ăn, đủ trang trải cho gia đình, không nợ nần là may”. Rồi ông tính chi tiết: “Nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ, canh tác trong ba vụ lúa/năm, đạt 20 tấn. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 10 tấn lúa.
Trung bình giá lúa khoảng 6.000 đồng/kg cũng chỉ ở ngưỡng 60 triệu đồng, chia cho mỗi gia đình là năm người, tương đương 12 triệu đồng/người/năm. Tính ra, thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ các khoản cưới hỏi, ma chay, học hành, trị bệnh... Trong khi đi làm công nhân thu nhập ít nhất cũng phải hơn 4 triệu đồng/người/tháng”.
Đồng cảnh như ông Nguyễn Văn Minh, nông dân Lê Văn Đẹt, ngụ xã Long Trung, đến xã Mỹ Thành Bắc cùng huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mua 0,5 héc-ta đất lúa để sản xuất. Canh tác được hai năm, cuộc sống không khá hơn. Gia đình quyết định chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng sầu riêng.
Cây được 1,5 tuổi, thổ nhưỡng không phù hợp nên toàn bộ số cây bị chết và không phát triển. Lúc này, cây mít siêu sớm cho lợi nhuận cao và dễ tiêu thụ. Thấy vậy, gia đình tiếp tục chuyển sang trồng mít siêu sớm. Cây bắt đầu cho quả cũng là thời điểm giá xuống thấp, đầu ra khó khăn. Chán nản, ông không còn mặn mà chăm sóc vườn như trước đây. Sau đó, các cây bị chết dần do thiếu dinh dưỡng và sâu bệnh. “Nông dân chúng tôi bây giờ cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì nữa. Càng sản xuất càng thua lỗ, không biết sắp tới sẽ như thế nào!”, ông Đẹt chia sẻ.
Năm 1997, ông Nguyễn Văn Bạch, ngụ xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) bắt đầu khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lợn. Lúc cao điểm, trang trại của gia đình ông lúc nào cũng hơn 200 con. Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Ông Bạch cho biết: “Hơn 10 năm nay, dịch lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả châu Phi xảy ra thường xuyên trên đàn lợn. Chi phí như thức ăn, thuốc thú y đều tăng vọt. Trong khi giá lợn hơi luôn ở mức thấp. Vì vậy, hầu hết người nuôi đều gặp khó khăn, lỗ vốn triền miên. Đến năm 2020, gia đình quyết định bỏ nghề chăn nuôi lợn”.
Sau đó, gia đình ông Bạch sửa lại chuồng lợn để chuyển sang nuôi bò và dê. Ông Bạch tâm sự: “Chăn nuôi bò, dê lợi nhuận không cao nhưng không còn chịu cảnh thua lỗ như chăn nuôi lợn. Gần đây, giá bò, dê không ổn định vì chưa liên kết với đơn vị tiêu thụ. Sản phẩm thịt bò, thịt dê luôn biến động theo thị trường nên cũng khá bấp bênh. Tuy nhiên, nông dân chúng tôi cũng không còn cách nào khác”.
Đầu năm 2022, ông Nguyễn Trung Dũng, ngụ xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã đốn bỏ 5.000 m2 vườn nhãn tiêu da bò gần 15 năm tuổi để chuyển qua trồng dừa xiêm xanh. Ông Dũng cho biết: “Trước đây, xã đảo Tam Hiệp nổi tiếng với cây nhãn vì có gần 90% diện tích đất tại địa phương trồng nhãn.
Quả nhãn được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được nên giá tương đối cao. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, quả nhãn không tiêu thụ được, giá có lúc chỉ còn 8.000 đồng/kg nên nông dân không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ. Vì vậy, gần đây người dân đốn nhãn để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác như dừa, bưởi da xanh khá nhiều”.
Trong khi đó, tại Long An, từ năm 2017 đến 2019, giá cá tra giống tăng cao, nhiều người dân trên vùng Đồng Tháp Mười ồ ạt đào ao trên đất lúa để ươm nuôi cá tra giống. Từ vài trăm héc-ta ban đầu ở khu vực huyện Tân Thạnh đã lan ra các huyện Tân Hưng, Thạnh Hóa..., với gần 3.500 ha, chiếm hơn 50% diện tích toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính việc phát triển tự phát, quá nóng dẫn đến cung vượt cầu, giá cá thương phẩm xuống thấp, đầu ra khó khăn làm cho hàng nghìn người ươm cá giống thua lỗ nặng.
Ông Lê Hồng Thái, người ươm cá tra giống ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng (Long An) đang cải tạo 1 ha mặt nước để thả cá giống trở lại cho biết: “Từ đầu năm 2022, giá cá tra giống tăng trở lại, dao động khoảng 50.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi thu lãi khoảng 30%”. Thấy vậy, nhiều nông dân đã quay trở lại và tiếp tục chuyển đổi từ đất lúa sang ươm cá tra. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, giá cá thương phẩm sẽ bình ổn trở lại trong thời gian tới. Vì vậy, bà con cũng rất cẩn trọng trong việc đầu tư tái sản xuất cho nghề ươm cá tra.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún
Tỉnh Tiền Giang có nhiều điều kiện sản xuất nông nghiệp như đa dạng cây ăn quả, chăn nuôi nhiều chủng loại. Hằng năm, địa phương có hơn 82.000 ha cây ăn quả, khoảng 70.000 ha đất sản xuất lúa, chăn nuôi gần 300.000 con lợn, khoảng 120.000 con bò, hơn 17 triệu con gia cầm và khoảng 16.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở ba vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Trong những năm qua, diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra; thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều; liên kết “4 nhà” còn yếu...
Ngoài ra, quy mô sản xuất manh mún, diện tích đất sản xuất bình quân trên nông hộ nhỏ. Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên tham gia. Vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng chưa rõ ràng.
Sản xuất theo chuỗi giá trị giúp nông dân trồng dừa, bưởi tại Bến Tre tăng thu nhập và theo hướng bền vững.
Tỉnh Bến Tre cũng là một trong những địa phương có lợi thế phát triển vườn cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tỉnh này cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức, địa phương đang tổ chức lại sản xuất bằng việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chuỗi gặp nhiều khó khăn. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá các mặt hàng nông sản như: dừa, lợn đang giảm mạnh. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp. Sản xuất nông nghiệp dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường...”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang gặp những bất cập như: hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tăng, nhưng thiếu bền vững. Các hợp tác xã, tổ hợp tác thì thiếu vốn, năng lực còn hạn chế, thiếu sự chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra nên việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi gặp trở ngại khi mở rộng diện tích và tiêu thụ.
Vai trò hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thật sự là cầu nối vững chắc liên kết với các doanh nghiệp. Ở một số địa phương (cấp huyện) thiếu cán bộ chuyên môn nên việc dự tính, dự báo gặp nhiều khó khăn. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân...
Trong một hội nghị mới đây, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thẳng thắn nhìn nhận: Một thực tế của ngành nông nghiệp hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là phổ biến; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; nhiều nhà máy chế biến nông sản được xây dựng nhưng thiếu các vùng nguyên liệu; một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng; chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản...
“Bất cập nhất là chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, trong đó các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Nhân Dân