Đổi thay quê hương Bác Tôn

22/11/2022 - 06:18

 - Về thăm quê hương Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay về mọi mặt, với diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân có nhiều cải thiện.

Men theo con đường nhựa, dạo quanh một vòng quê Bác Tôn sẽ thấy dấu ấn của sự đổi thay với nhiều công trình cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang. Những tuyến đường liên ấp, liên xã được láng nhựa hoặc thảm bê-tông phẳng phiu; cầu nông thôn được xây dựng. Các công trình phúc lợi xã hội, như: Trạm y tế, trường học được xây dựng kiên cố, với đầy đủ trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cho người dân và nhu cầu học tập của trẻ nhỏ; đời sống người dân dần được cải thiện...

Không giấu được niềm vui khi nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới, ông Phan Văn Chua (ngụ ấp Mỹ Khánh 2) chia sẻ: “Đường sá thông thoáng, với hàng rào cây xanh thẳng tắp 2 bên đường, phía trên các cột điện được lắp bóng đèn thắp sáng, tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Nhờ xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống giao thông từng bước hoàn chỉnh, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, dân trí được nâng cao. Tôi và người dân nơi đây rất vui mừng và phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của địa phương”.

Sự “thay da, đổi thịt” của xã Mỹ Hòa Hưng thể hiện rõ nét nhất là niềm vui và sự phấn khởi của bà con ở cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh). Người dân nơi đây được thỏa mãn mong đợi mấy mươi năm qua, khi được nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia, nước sạch “chảy” đến tận nhà.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Thạnh Nguyễn Thanh Phước vui mừng cho biết: “Việc sinh hoạt của người dân thuận tiện rất nhiều, sau khi được nhà nước đầu tư điện lưới, nước sạch. Ai nấy đều phấn khởi, vui mừng trước sự thay đổi của địa phương. Đặc biệt, người dân không ngừng sáng tạo, tiếp cận nhanh và áp dụng hiệu quả thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Diện mạo nông thôn xã Mỹ Hòa Hưng khởi sắc

Phong trào thi đua yêu nước ở địa phương ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia; khơi dậy tinh thần đoàn kết, “Tương thân tương ái”, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người nghèo được quan tâm thực hiện. Nhờ phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở trong xây dựng NTM và công khai, minh bạch về tài chính nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Tân (ngụ ấp Mỹ An 2) chia sẻ: “Được chung sức cùng chính quyền địa phương hoàn thành cây cầu, giúp bà con đi lại thuận tiện, tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục cùng các anh em trong đội xây dựng nhiều cây cầu, nâng cấp nhiều tuyến đường nông thôn. Chừng nào còn sức, chừng nào người dân còn cần, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc đầy ý nghĩa này”.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử cho biết, là xã cù lao nên địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản. Vì thế, xã luôn quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương, theo hướng công nghệ cao, tăng giá trị và chất lượng nông sản. Đồng thời, duy trì và nhân rộng những mô hình sản xuất - kinh doanh tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

Nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, anh Huỳnh Ngọc Diện (ngụ ấp Mỹ An 2) mạnh dạn chuyển đổi gần 1.000m2 đất trồng rau ăn lá sang trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Theo anh Diện, với gần 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới, mỗi năm có thể canh tác 4 vụ, lợi nhuận khoảng 30 - 40 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, không phải lo về đầu ra, bởi có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu, với giá cả ổn định.

“Trồng dưa lưới trong nhà màng phải tuân thủ kỹ thuật, yêu cầu do doanh nghiệp đưa ra. Kỹ thuật canh tác không quá khó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên chỉ cần 1, 2 vụ là có thể tự chăm sóc. Sản xuất không phải lo về đầu ra, bởi có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu, với giá cả ổn định” - anh Diện chia sẻ.

Phát huy những kết quả đạt được, xã Mỹ Hòa Hưng tập trung thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thi đua lao động sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2024.

TRUNG HIẾU