Đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch, dân cư

17/01/2018 - 01:59

 - Trên cơ sở Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 8-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 896), nhiều văn bản từ Trung ương đến địa phương đã được ban hành. Theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, dự kiến chậm nhất đến ngày 1-1-2020, CSDL quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) được hoàn thiện và kết nối được với các CSDL khác. Lúc này, sẽ áp dụng cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 896 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 4-7-2017 của Chính phủ.

Việc đồng bộ, kết nối dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư sẽ làm giảm nhiều thủ tục, chi phí, bởi thông tin quản lý dân cư đều có trong các CSDL này. Người dân không cần xuất trình các loại giấy tờ (như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...) khi làm thủ tục.

Hiện thực hóa chủ trương tại Đề án 896, một trong những điểm mới khác của Luật Hộ tịch có liên quan mật thiết đến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, chính là quy định cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh (từ ngày 1-1-2016). Đây là điểm đặc biệt, kết nối Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch, cũng như kết nối 2 CSDL mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, theo Đề án “CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc”, Bộ Tư pháp chủ trương đến năm 2020 sẽ triển khai 1 phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc, nhằm quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch từ các địa phương. Từ đó, sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho CSDLQGVDC do Bộ Công an quản lý (theo Luật Căn cước công dân); là tiền đề cho việc thực hiện cơ chế liên thông thủ tục hành chính như: khai sinh, đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khai tử, xóa đăng ký thường trú, chế độ bảo hiểm xã hội...

Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn cho biết: “Cùng với việc triển khai Đề án 896, Sở Tư pháp còn tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; đang triển khai thí điểm Đề án xây dựng CSDLQG về hộ tịch. Từ năm 2016 đến nay, sở đã tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai Dự án trang bị cơ sở vật chất phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch máy tính cho công tác hộ tịch cấp xã trong năm 2018.

Theo đó, 80% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị máy vi tính, máy in, mạng Internet để phục vụ cho việc đăng ký hộ tịch, triển khai phần mềm dùng chung về đăng ký hộ tịch và thực hiện việc tích hợp dữ liệu hộ tịch vào CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc.

Mặc dù An Giang không nằm trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm phần mềm hộ tịch dùng chung, nhưng căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thực tế ở địa phương, sở chủ động tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp cho được triển khai thí điểm từ ngày 7-11-2016.

Đến ngày 8-1-2018, toàn tỉnh đã có 48.632 trẻ em sinh từ ngày 1-1-2016 được cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh trên phần mềm dùng chung. Những trường hợp đăng ký khai sinh từ trước ngày 1-1-2016 sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đi làm Thẻ căn cước. Số định danh cũng đồng thời là số trên Thẻ căn cước công dân”.

Mới đây nhất, Công an tỉnh triển khai xây dựng CSDLQGVDC. Theo Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 896 tỉnh, trong năm 2018, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; kịp thời bổ sung, cập nhật thông tin vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu, sổ sách đang quản lý.

Công an cấp xã tiến hành phát phiếu thu thập thông tin dân cư, hướng dẫn công dân kê khai phiếu; đối chiếu thông tin, ký xác nhận và chuyển phiếu lên công an cấp huyện. Công an cấp huyện truyền dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; tiến hành lưu trữ, quản lý phiếu tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu của mình. Giám đốc Chi nhánh Viettel An Giang Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định, để triển khai dự án CSDLQGVDC, Viettel đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đường truyền, chỉ chờ cơ quan chức năng yêu cầu đấu nối.

Quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch, dân cư sẽ còn rất nhiều công việc phải làm, mà đầu công việc nào cũng mới mẻ, khó khăn. Tuy nhiên, nếu các cấp ngành cùng quyết tâm, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình đã đề ra.

Theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 4-7-2017 của Chính phủ, có 15 lĩnh vực được đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ nhiều thủ tục hoặc một số quy định trong một số thủ tục có liên quan đến quản lý dân cư nhưng không cần thiết, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện. Nếu tại các mẫu đơn có quy định khai về các thông tin cá nhân hoặc thân nhân, Chính phủ đã có phương án bãi bỏ và thay bằng quy định chỉ khai số căn cước công dân, nơi ở hiện nay. Các trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp, phải tự khai thác trên CSDLQGVDC.

 

KHÁNH HƯNG