Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thay đổi tư duy làm kinh tế

15/04/2020 - 06:48

Chăn nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi trùn quế giúp nông dân tận dụng tối đa nguồn thức ăn, giúp gà phát triển nhanh, hạn chế ô nhiễm môi trường... Qua đó giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng… Mô hình này được gia đình bà Néang Sóc Mean (ngụ ấp Phước An, xã Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang) triển khai thực hiện.

Thời gian gần đây, món ăn gà đốt tại hồ Ô Thum (xã Ô Lâm) được nhiều thực khách biết đến và lựa chọn thưởng thức khi đến du lịch Tri Tôn. Trước nhu cầu của thực khách, các quán ăn phục vụ món ăn đặc sản này xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực hồ Ô Thum.

Theo thống kê của địa phương, bình quân mỗi ngày, các cơ sở kinh doanh ở đây tiêu thụ khoảng 100 con gà. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, số lượng gà tiêu thụ ước tính 500 con/ngày. Nắm bắt được nhu cầu trên, bà Néang Sóc Mean đã phát triển mô hình chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn để cung cấp cho các quán ăn ở đây.

Bà Néang Sóc Mean cho biết, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà được tiếp cận với mô hình nuôi gà bằng trùn quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, sau khi học xong lớp chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, bà càng có niềm tin để phát triển mô hình.

Bắt đầu bằng việc xây dựng trang trại nuôi gà với diện tích 2.000m2, bà thả 700 con gà giống mua ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) với giá 3.000 đồng/con. Chuồng gà được thiết kế thành 2 khu vực. Một khu vực để gà ở, có sử dụng đệm lót sinh học và 1 khu vực để gà vận động. Chuồng trại nuôi được thiết kế thoáng mát, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm…

Theo bà Néang Sóc Mean, gà chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp, sau đó cho ăn thêm lúa, rau muống… Ngoài ra, do gà được thả vườn nên tận dụng được tối đa các thức ăn khác như: cỏ, côn trùng. Nhờ vậy, tiết kiệm được chi phí về thức ăn và không mất nhiều công chăm sóc. Trong quá trình chăn nuôi cần chú trọng vệ sinh phòng dịch, tiêm vaccine cho đàn gà đúng quy định.

Gần đó, bà xây dựng thêm 1 bể xi-măng với diện tích trên 80m2 để nuôi trùn quế bổ sung nguồn thức ăn cho gà. Hố hoặc bể nuôi trùn quế phải có mái che để tránh mưa nắng. Do trùn quế rất ưa bóng tối nên bể nuôi phải được che đậy cẩn thận, thoáng mát, không bị ngập úng, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm… Thức ăn cho trùn chủ yếu là phân bò, phân gà... Những ngày nóng khô, bà tăng cường tưới nước để giữ độ ẩm cho trùn sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp thả vườn, sử dụng trùn quế giúp gà sinh trưởng và phát triển khá tốt. Gà có sức đề kháng cao nên ít bệnh, hạn chế mùi hôi thối trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, giúp nông dân giảm một phần chi phí thức ăn. Ngoài ra, phế phẩm của quá trình nuôi trùn quế có thể đem bón cho cây ăn trái hoặc cho lúa cho năng suất khá cao.

“Lần đầu triển khai mô hình, do ảnh hưởng của thời tiết cũng như chưa có kinh nghiệm sản xuất nên gà nuôi hao hụt khá nhiều, chỉ thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, sau khi tổng kết mô hình, tôi thấy nhiều tín hiệu khả quan. Thời gian tới, tôi  sẽ tiếp tục phát triển mô hình này”- bà Mean chia sẻ.

Có thể thấy, nuôi gà kết hợp nuôi trùn quế để làm thức ăn là mô hình mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, không ảnh hưởng môi trường xung quanh và phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của địa phương.

Trước mắt, địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia thực hiện mô hình. Đồng thời, sẽ tiến hành mở các lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho các hộ nông dân, giúp trang bị kiến thức để quá trình chăn nuôi được thuận lợi. Từ đó giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

ĐÌNH ĐỨC