Đưa máy bay vào đồng ruộng

05/12/2019 - 00:15

 - Việc dùng máy bay phun thuốc không còn là câu chuyện “chỉ thấy qua màn ảnh” ở nước Mỹ, nước Nhật xa xôi. Giờ đây, máy bay đã hiện diện trên đồng ruộng Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân.

Các “phi công” Tập đoàn Lộc Trời được tập huấn kỹ thuật sử dụng Drone thành thục

Giải bài toán lao động

So với loại bình gặt tay trước đây, việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình máy được xem là tiến bộ lớn bởi giúp giảm công suất lao động, tăng nhanh thời gian phun thuốc trên đồng ruộng. Tuy nhiên, bình máy vẫn giữ lại những nhược điểm lâu nay như: nông dân phải dẫm trên cây lúa để tạo lối đi phun thuốc, lượng thuốc phủ không đều ở các vị trí, phải sử dụng nhiều nước khiến thuốc chảy theo lá lúa xuống ruộng, gây ô nhiễm môi trường… Điều đáng ngại hơn là người phun thuốc phải trực tiếp hít lượng lớn hơi thuốc hóa học vào cơ thể, thuốc có thể bay vào mắt, miệng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Nhiều năm gắn bó với nông dân, đồng ruộng, kỹ sư Lê Thanh Hà (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, với bình máy, 1 người có thể phun thuốc được 1ha/giờ. “Đó là vào buổi sáng, trời mát mẻ. Còn khi nắng càng lên, càng gay gắt thì hiệu suất lao động càng giảm. Thường khi thuê người phun thuốc, bản thân chủ ruộng cũng phải đi theo giám sát lượng thuốc sử dụng, kiểm tra xem người phun có đều đất hay không, có “phun giùm” qua đất người khác hay không” - kỹ sư Hà chia sẻ.

Qua kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng, các chuyên gia của Tập đoàn Lộc Trời nhận thấy rằng, do thói quen “quơ” cần phun, lượng thuốc thường tập trung nhiều ở 2 bên lối đi (do cần phun chậm lại) nhưng lại thiếu hụt ngay giữa lối đi (do cần phun lướt qua nhanh). Với lúa bị giẫm để tạo lối đi, sức phục hồi kém nên làm giảm năng suất khoảng 150-200kg lúa/ha (tương đương 750.000 - 1 triệu đồng/ha). “Chưa kể để “trừ hao”, nông dân thường có thói quen sử dụng lượng thuốc nhiều hơn 20% so với khuyến cáo trên nhãn, gây tốn thêm chi phí” - kỹ sư Hà chia sẻ.

Từ khi đưa vào sử dụng thử nghiệm phun thuốc bằng Drone - máy bay không người lái được điều khiển từ xa, Tập đoàn Lộc Trời thấy rằng, thiết bị giúp khắc phục được nhược điểm của phun thuốc bằng bình máy, gồm: giải bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe nông dân (do không phải trực tiếp phun thuốc), giảm thiểu ô nhiễm môi trường (do sử dụng lượng nước ít, hạt thuốc phun mịn, bám hầu hết trên mặt lá lúa, không chảy xuống chân ruộng), tăng hiệu quả quản lý dịch hại, tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư.

Nghiên cứu nhân rộng

Nhân hội thảo “Sản phẩm công nghệ cao quản lý dịch hại đầu vụ”, Tập đoàn Lộc Trời đã mời 300 nông dân các tỉnh ĐBSCL đến Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Thoại Sơn) trực tiếp tham quan kỹ thuật phun thuốc bằng Drone. Loại máy bay không người lái được điều khiển từ xa này đã được nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới sử dụng từ lâu nhưng với nông dân ĐBSCL, vẫn còn khá mới mẻ. Để tiếp nhận sử dụng tốt thiết bị này, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức tập huấn Drone cho 30 chuyên viên “3 cùng”, đào tạo họ trở thành “phi công” điều khiển Drone thành thục. “Phải nói rằng, máy bay phun thuốc không người lái là thành tựu công nghệ do nước ngoài tạo ra, Tập đoàn Lộc Trời chỉ tiếp nhận về sử dụng. Mong muốn của chúng tôi là mang lại những tiện ích cho nông dân, giảm công lao động chân tay, vừa tăng năng suất, hiệu quả canh tác nhưng cũng phải bảo vệ sức khỏe cho họ” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

Tại buổi tham quan thực tế, nông dân tỏ ra hào hứng khi được các “phi công” trực tiếp giới thiệu về máy bay không người lái, cách sử dụng lượng thuốc, lượng nước, lập trình diện tích, vị trí, khoảng cách bay phun trên ứng dụng di động, thực hiện trình diễn phun thuốc… Với Drone, chỉ mất 10 phút để phun xong 1ha đất. Do chỉ sử dụng lượng nước bằng 1/30 so với phun bình máy nên Drone không mất thời gian trở vào “tiếp” thêm lượng thuốc, lượng nước mà có thể bay phun liên tục trên diện tích lớn. “Máy bay phun vừa nhanh, vừa chính xác, phủ đều diện tích, không lo lấn qua đất người khác. Kiểm tra trên lá lúa, hạt thuốc rất mịn, bám đều trên lá, không bị cuốn theo giọt nước như khi phun bình máy. Nếu được triển khai rộng rãi, nông dân tụi tui sẽ đỡ được nỗi lo kiếm không ra người phun thuốc, lại đỡ “nhót” lúa trong mỗi lần phun” - nông dân Nguyễn Văn No (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) thích thú. “Bây giờ ở nông thôn, bệnh ung thư xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số các nguyên nhân, tôi nghĩ chắc chắn có liên quan đến việc nông dân thường xuyên hít thuốc bảo vệ thực vật khi phun, trong khi lượng thuốc bị chảy xuống ruộng, nước ruộng xả xuống kênh rồi người dân lại sử dụng. Với máy bay phun thuốc, nỗi lo này sẽ giảm đi” - nông dân Phan Văn Hóa (TX. Tân Châu) nhận xét.

Dự kiến từ năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái được điều khiển từ xa. Theo tính toán, chi phí sẽ rẻ hơn so với thuê nhân công phun thuốc bằng bình máy nhưng hiệu quả đạt cao hơn.

NGÔ CHUẨN