Dùng mạng xã hội Việt Nam, tại sao không?

14/10/2019 - 08:08

Mạng xã hội từ lâu đã trở thành “món ăn” tinh thần không chỉ cho giới trẻ mà là đa số người dân trong xã hội hiện nay. Mâu thuẫn giữa sự mong muốn kết nối sẻ chia và sự “đề kháng” trước tin giả, thông tin xấu, độc làm người dùng băn khoăn đặt ra câu hỏi có nên dùng mạng xã hội nữa không. Câu trả lời vẫn là có kể từ khi các mạng xã hội mang tính chất, phong cách người Việt lần lượt ra đời.

Gapo, một mạng xã hội mới đang thu hút sự chú ý của người dùng trong nước vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đây là mạng xã hội do người Việt tạo nên, với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng trong giai đoạn đầu. Ngày 16-9, lotus - mạng xã hội "made in Việt Nam" đã chính thức ra mắt, kể từ khi Công ty Cổ phần VCCorp thông báo về việc đầu tư và phát triển mạng xã hội của người Việt sau hơn 1 năm nghiên cứu và phát triển. Cộng đồng mạng đã cảm thấy rất phấn khởi, bởi cuối cùng người Việt đã có những mạng xã hội cho riêng mình, để được thoải mái chia sẻ và kết nối.

Dùng mạng xã hội Việt Nam, tại sao không?

Mạng xã hội Việt Nam ưu tiên xoay quanh nội dung

Không thể phủ nhận rằng, người dùng internet Việt Nam đang phải tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn trên mạng xã hội mà nhiều là những nội dung kém bổ ích, sai sự thật hoặc thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới người đọc. Những năm gần đây, người ta đã bắt đầu quen dần với khái niệm "detox mạng xã hội", hoặc dễ thấy hơn là nhiều người đang chọn chuyển sang các nền tảng thuần nội dung như: quora, reddit... Chính vì thế, ngay từ khi công bố đường hướng phát triển là "Mạng xã hội xoay quanh nội dung", nói không với tin giả và nội dung kém chất lượng, lotus hay gapo đã khiến nhiều người phải chú ý đến và được đông đảo giới trẻ ủng hộ.

Chị Dung (làm việc trong cơ quan nhà nước) rất háo hức khi hay tin việc ra đời mạng xã hội mới thuần Việt. Chị đã nhanh chóng tải phần mềm, đăng ký tài khoản và kêu gọi bạn bè cùng tham gia. "Về các tính năng, tiện ích, giao diện có thể mạng xã hội Việt Nam không thể sánh với các mạng xã hội quen thuộc trên thế giới, nhưng điều tôi mong muốn nhất vẫn là sự đơn giản kết nối với bạn bè, chia sẻ hay xem những tin tức chân thật, tránh lướt phải những video xấu, độc mang tính chất bạo lực, khiêu dâm, kích động, phản động…". Chị Thanh Mai (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cũng đồng quan điểm và chia sẻ thêm: “Tôi thích sự đơn giản dùng mạng xã hội để trao đổi thông tin, hình ảnh cùng bạn bè phục vụ cho công việc, đời sống. Chúng ta không nên lãng phí thời gian vào các tin tức vô bổ, độc hại hay dễ dàng bị dẫn dắt bởi những trò câu "like", những thông tin không chính thống, góp phần giúp kẻ xấu dễ dàng trục lợi từ từng cái "like" của người dùng".

Dùng mạng xã hội Việt Nam, tại sao không?

Nội dung mạng xã hội Lotus thuần Việt, hữu ích

Khẳng định xu hướng sử dụng mạng xã hội Việt Nam là cần thiết và lợi ích, tháng 6-2019, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chính thức khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET). Đây là sản phẩm ra đời từ sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Tập đoàn Viettel nhằm giúp quản lý điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành tuyên giáo toàn quốc, chuyển từ giấy sang điện tử, tin học hóa hầu hết công việc hàng ngày, ứng dụng chữ ký số, chatbot thông minh. Ước tính hệ thống sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 50% thời gian giải quyết công việc, giảm khoảng 90% thời gian luân chuyển văn bản và chi phí xử lý, lưu trữ văn bản. Ngoài ra, VCNET còn là một mạng xã hội để người dùng có thể đăng tải các bài viết, hình ảnh cá nhân, cũng như kết bạn, trao đổi với những người dùng khác. Các tính năng sử dụng mạng xã hội VCNET gần giống các mạng xã hội khác.

Ban Thường vụ Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp cũng vừa đề nghị cấp ủy Đảng cơ sở chủ động phối hợp lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp phổ biến, tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực tham gia hệ thống nhằm tạo nơi chia sẻ, trao đổi thông tin giữa cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác tư tưởng, chia sẻ những thông tin tích cực trong cộng đồng, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, định hướng những thông tin tích cực góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG