Eni phát hiện mỏ khí 'quan trọng' ở vùng biển Ai Cập

16/01/2023 - 14:12

Tập đoàn năng lượng Eni của Italy ngày 15/1 thông báo đã phát hiện một mỏ khí “quan trọng” tại giếng thăm dò Nargis-1, thuộc khu vực nhượng quyền ngoài khơi Nargis ở Đông Địa Trung Hải, gần thành phố Al-Arish, tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập.

Trong một tuyên bố, Eni cho biết khoảng 61m đá sa thạch có chứa các trầm tích Miocene và Oligocene đã được tìm thấy ở độ sâu 309m dưới mặt nước biển, đồng thời nói thêm rằng phát hiện mới này có ý nghĩa rất quan trọng cho phép Eni phát triển hơn nữa  hoạt động thăm dò khí đốt tại giếng Nargis-1.

Eni, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Italy hoạt động tại Ai Cập từ năm 1954, đã được trao quyền thăm dò ở các khu vực Bắc Rafah, Bắc El-Fayrouz, Đông Bắc El-Arish, Tiba và Bellatrix-Seti East. Tập đoàn hiện là nhà sản xuất dầu khí hàng đầu tại Ai Cập với sản lượng tương đương khoảng 350.000 thùng dầu mỗi ngày.

Phát hiện đáng chú ý nhất của Eni ở Ai Cập là mỏ khí đốt Zohr vào năm 2015, cho phép quốc gia Bắc Phi này đạt được khả năng tự cung tự cấp khí đốt vào năm 2018 và hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng năng lượng này.

Trước đó vào tháng 12 vừa qua, tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ cũng công bố phát hiện một mỏ khí đốt mới được đặt tên là "Narges-1X", ở khu vực ngoài khơi Narges của Ai Cập. 

Doanh thu xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2014 và đất nước “kim tự tháp” đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho lục địa châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng Hai năm ngoái.

Theo một tuyên bố của Chính phủ Ai Cập, xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng của nước này đã nâng lên mức khoảng 8 tỷ USD trong năm tài chính 2021 -2022. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mohamed Maait cho biết Ai Cập đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD mỗi tháng từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đặt mục tiêu nâng con số này lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã thực hiện kế hoạch hợp lý hóa mức tiêu thụ điện nhằm tiết kiệm khí đốt tự nhiên để xuất khẩu nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu đang muốn đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chiếm 45% lượng nhập khẩu của “lục địa Già” vào năm 2021.

Ai Cập cũng có cơ sở hạ tầng vận chuyển và xử lý khí đốt tự nhiên tương đối hoàn thiện với mạng lưới đường ống dài 7.000 km, mạng lưới phân phối dài 31.000 km và 29 nhà máy xử lý khí cùng hai nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là Idku và Damietta.

Theo Báo Tin Tức

 

Liên kết hữu ích