Biểu tượng của trang mạng xã hội Facebook và Instagram trên màn hình điện thoại thông minh và máy tính bảng ở Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, Thierry Breton cho biết cuộc điều tra nhằm "đảm bảo rằng các hành động hiệu quả được thực hiện, đặc biệt là để ngăn chặn việc lợi dụng các lỗ hổng của Instagram và Facebook do sự can thiệp từ nước ngoài".
Mối lo ngại của EU về tác hại của công nghệ deepfake tăng lên, đặc biệt là nguy cơ thông tin sai lệch về cuộc bầu cử EP diễn ra tại 27 quốc gia thành viên của khối từ ngày 6 - 9/6 tới.
EU gần đây liên tục kêu gọi Facebook, TikTok và các "đại gia" công nghệ khác ngăn chặn giả mạo hình ảnh, video bằng công nghệ deepfake và các nội dung khác do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, bằng cách "dán nhãn" độc hại rõ ràng.
Khuyến nghị trên là một phần trong các hướng dẫn mới được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm giải quyết các rủi ro trước cuộc bầu cử, bao gồm cả thông tin sai lệch.
Kể từ khi ChatGPT của OpenAI xuất hiện vào cuối năm 2022, mối lo ngại của EU về tác hại của công nghệ này cũng tăng lên, đặc biệt là nguy cơ thông tin sai lệch về cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.
EU tuyên bố nếu các cơ quan quản lý nghi ngờ rằng các công ty công nghệ không tuân thủ đầy đủ, họ có thể tiến hành các cuộc điều tra và có thể dẫn đến các khoản tiền phạt khổng lồ.
Theo THANH BÌNH (Báo Tin Tức)