Trẻ em tị nạn tại cửa khẩu biên giới Afghanistan - Pakistan, ở Chaman, tây nam Pakistan, ngày 27/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại hội nghị, các bộ trưởng nội vụ EU khẳng định chính sách của toàn liên minh là "quyết tâm hành động chung để tránh sự lặp lại của cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, do cuộc chiến ở Syria gây ra", đồng thời tăng cường việc bảo vệ biên giới bên ngoài châu Âu.
Đến nay các nước EU vẫn ghi đậm ký ức về cuộc khủng hoảng năm 2015, thời điểm EU bị chia rẽ và đã bất ngờ trước sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư lánh nạn xung đột từ Syria. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, EU "phải dự đoán để tránh trường hợp giống năm 2015".
Ưu tiên của EU lúc này là đảm bảo những người cần được bảo vệ quốc tế có thể được tiếp nhận "trong khu vực" thông qua hỗ trợ tài chính, nghĩa là ở các nước láng giềng của Afghanistan, như Pakistan, nhằm tránh dòng người di cư bất hợp pháp quy mô lớn đến EU. Tuy nhiên, vấn đề là hiện các nước láng giềng của Afghanistan hoặc đã có số lượng người tị nạn rất đông hoặc không sẵn sàng gánh vác gánh nặng cho EU.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh khả năng tiếp nhận của châu Âu có giới hạn. Do đó, cần sự hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt với sự tham gia nhiều hơn nữa của các nước láng giềng. EU sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia này như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người tị nạn Syria.
Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, EU cam kết "tăng cường hỗ trợ" cho các nước láng giềng của Afghanistan nhằm cung cấp cho người di cư "sự bảo vệ đầy đủ chủ yếu trong khu vực". Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson khẳng định "cách tốt nhất để tránh một cuộc khủng hoảng di cư là tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo". Theo đó, EU phải hành động ngay bây giờ chứ không đợi đến khi có làn sóng người di cư ở bên ngoài biên giới.
Liên hợp quốc đã dự báo sẽ có thêm nửa triệu người tị nạn Afghanistan vào cuối năm 2021. Trong tuyên bố chung của mình, 27 Bộ trưởng Nội vụ EU không đưa ra bất kỳ cam kết định lượng nào về việc tiếp nhận người tị nạn Afghanistan ở EU. Tuy nhiên, từ nay đến giữa tháng 9, 27 quốc gia EU sẽ phải trình bày cam kết tiếp nhận người tị nạn của mình như một phần của quy trình hàng năm.
Hiện một số nước như Tây Ban Nha đã đặt nền tảng cho việc tiếp nhận những người Afghanistan hồi hương như một ưu tiên trong 2 tuần qua. Theo sáng kiến chung của Pháp và Đức, các bộ trưởng EU thiết lập các tiêu chí chung xin tị nạn và tiếp nhận những người tị nạn Afghanistan trong tương lai ở châu Âu.
Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ khủng bố, các Bộ trưởng Nội vụ EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra an ninh đối với những người được sơ tán khỏi Afghanistan. Bộ trưởng Nội vụ Ales Hojs của Slovenia -nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết "trách nhiệm chính của chúng ta là bảo vệ công dân EU khỏi các vụ tấn công khủng bố". Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã đề xuất mọi đối tượng di cư đến châu Âu đều phải "đăng ký" để dễ dàng quản lý.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2015 đến nay, EU luôn cố gắng trang bị cho mình những công cụ để quản lý dòng người di cư "bên ngoài", nghĩa là tập trung bảo vệ biên giới bên ngoài và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, song vấn đề đoàn kết với những nước nhập cảnh đầu tiên vẫn còn nhiều điều cần phải thảo luận. Hiện các nước ở tuyến đầu như Hi Lạp và Italy đang đề nghị sự giúp đỡ trong vấn đề này.
Ủy ban cứu hộ quốc tế đã ước tính EU cần phải thiết lập một cơ chế tái định cư mới để có thể tiếp nhận ít nhất 30.000 người Afghanistan trong vòng 12 tháng tới. Vấn đề mà tất cả các nước châu Âu nhất trí hướng tới là phải bằng mọi giá đảm bảo cuộc khủng hoảng Afghanistan không gây nguy cơ an ninh cho người dân EU.
Theo HƯƠNG GIANG (TTXVN)