'Father's Day' - Nếu bạn còn có thể…?

18/06/2023 - 15:13

Father's Day là ngày lễ tôn vinh người làm cha; người gắn kết gia đình, cũng như ảnh hưởng của người cha trong xã hội.

Ngày của cha thường được biết đến nhiều ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, ở Việt Nam những năm gần đây, ngày này cũng được nhiều người quan tâm.

Theo nhiều nước phương Tây thì Father's Day - Ngày của cha không có ngày cố định hằng năm, mà được lấy vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6 hằng năm. Do đó, năm 2023, Ngày của cha sẽ là ngày Chủ nhật 18-6.

Tìm kiếm dữ liệu trên internet, chúng ta có thể biết thêm nhiều về nguồn gốc và những cách tôn vinh người cha ở các nước phương Tây...

Cũng như Ngày của mẹ, đây là một ngày quan trọng của mỗi gia đình - Ngày tôn vinh người cha. Song, Ngày của cha chưa được nhiều người quan tâm và vinh danh to lớn như Ngày của mẹ. Cũng chưa có nhiều tài liệu lý giải rõ về việc này; tuy nhiên, ở góc nhìn mẫu tử thiêng liêng thì vai trò người mẹ rõ ràng mang nhiều cực nhọc, khó khăn khi phải "mang nặng, đẻ đau" và chăm nuôi con trẻ. Đứa con, cũng gắn bó với người mẹ ngay từ lúc chào đời, nên so với mẹ, thì người cha ít có cơ hội thể hiện tình cảm hơn.

Ở Việt Nam, thời phong kiến vai trò người cha được xem trọng như người thầy - vừa có tính nghiêm khắc vừa mang ý nghĩa về sự giáo dưỡng đối với con trẻ. Cho nên, người cha được xem là người thầy đầu tiên của chính mỗi người con. Bởi vậy ở Việt Nam, chúng ta vẫn nghe có nơi gọi “bố” là “thầy”.

Người Việt thường có cách gọi cha mẹ khác nhau. Thông thường chữ cha (cha mẹ) được dùng ở cả miền Nam và miền Trung; miền Bắc thì có bố (bố mẹ), có thầy (thầy mợ, thầy me, thầy bu); miền Nam có cả cha (cha mẹ), ba (ba má, ba mẹ) và tía (tía má)...

Nói về cách gọi "tía", chúng ta còn nhớ 1 bài hát khá quen thuộc với trẻ con trước đây:

Tía em hừng đông đi cày bừa,
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân,
Má em cũng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la...

Vì cha (cũng như mẹ) là người quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai, nên có nhiều câu tục ngữ, ca dao của nhân dân ta nói về sự cần thiết hay công ơn cha mẹ, như: Có cha có mẹ thì hơn/Không cha không mẹ như đờn đứt dây hoặc Con có cha như nhà có nóc; Còn cha gót đỏ như son/Một mai cha mất, gót con như bùn hay Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…

Thật vậy, cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn chỉ mong sau này con nên người, được thành công và hạnh phúc.

Hình ảnh người cha có vẻ khó tính, uy nghiêm nhưng con có biết rằng cha luôn âm thầm theo dõi khi con cười, con khóc...

Nếu bạn may mắn còn có cha, có mẹ; nếu bạn may mắn còn có vòng tay yêu thương của cha mẹ, được đùm bọc chở che, được cha mẹ bên cạnh mỗi khi vấp ngã, được cha mẹ quan tâm giúp đỡ trong mỗi bước đi của cuộc đời này... xin hãy trân trọng và hãy biết ơn mỗi ngày, vì thời gian cũng không chờ đợi cha mẹ chúng ta quá lâu...

Khi bạn lớn lên, đến một ngày bạn rời khỏi bầu ngực ấm của mẹ, rời khỏi vòng tay cha để đến với gia đình của riêng mình, bạn mới hiểu được tấm lòng bao la của mẹ và sự vĩ đại của cha...

Cuộc sống hiện đại hối hả ngày nay, đôi khi cuốn chúng ta vào những vòng xoay của vật chất, danh vọng và những điều hư ảo; đôi khi chúng ta nhớ đến những cuộc hẹn hò, nhớ những địa điểm du lịch xa xôi ta đã từng đến mà lại không nhớ rằng bao lâu rồi ta chưa về nhà, bao lâu rồi ta chưa có tấm hình chung với mẹ với cha...?

Ngày của cha - có thể nhiều người đã không may mắn còn được nắm tay cha để hỏi han, trò chuyện...

Còn bạn thì sao, nếu còn có thể...?

Theo LÊ THẢO (Báo Bình Phước)