Gắn kết tiêu thụ nông sản

12/08/2021 - 06:57

Cùng với diện tích lúa hè thu đang thu hoạch thì nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã xuống giống vụ thu đông 2021. Khi lúa hè thu vẫn còn trên đồng thì một số nơi, trà đầu lúa thu đông cũng cho sản lượng. Bài toán tiêu thụ lúa cũng như những loại nông sản khác cần được gắn kết liên tục.

Chủ động hợp tác

Khi thời điểm các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trùng với mùa thu hoạch rộ vụ hè thu 2021, chuỗi sản xuất, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ lúa ít nhiều bị gián đoạn, nông dân và doanh nghiệp (DN) “đứng ngồi không yên”. Tại An Giang, nơi còn diện tích, sản lượng lúa hè thu chưa thu hoạch lớn nhất vùng hiện nay (khoảng 500.000 tấn), tỉnh đã nỗ lực kết nối với các DN, tập đoàn lớn, khuyến khích DN trong tỉnh đẩy mạnh thu mua. Về cơ bản, DN đảm bảo tiêu thụ hết lúa tươi trong dân, vấn đề còn lại là chuỗi lưu thông lúa, phân phối, xuất khẩu gạo.

Cần tạo thuận lợi cho đội ngũ thu hoạch, thu mua lúa

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ lúa ĐBSCL”. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các DN, tập đoàn, hiệp hội lương thực, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Trong phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khen ngợi cách làm của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) trong nỗ lực thu mua lúa, cam kết giữ giá lúa, hỗ trợ cho nông dân về ứng trước giống, vật tư, phun thuốc để tái sản xuất; triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất lúa rải vụ tại An Giang. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn các DN khác cũng có cách làm sáng tạo, chia sẻ khó khăn với nông dân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, liên kết tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh An Giang về mở rộng nguồn vốn tín dụng cho DN thu mua tạm trữ lúa, thế chấp bằng chính kho và lượng lúa tạm trữ, tạo thuận lợi cho các DN đẩy mạnh thu mua lúa trong dân.

Ông Lê Minh Hoan khẳng định, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là không “ngăn sông, cấm chợ” trong lưu thông hàng hóa, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần có sự trao đổi, thống nhất, hỗ trợ nhau trong vấn đề lưu thông nông sản. Cùng với đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quán triệt đến cơ sở, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát thống nhất về quy trình thực hiện, tạo thuận lợi trong thu mua, vận chuyển nông sản, nhất là mặt hàng lúa thời điểm này.

Tháo gỡ khó khăn

Sau hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã họp trực tuyến với UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) về kết nối tiêu thụ lúa, nếp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, nếu kết hợp với vụ thu đông, toàn vùng còn khoảng 2,8-3 triệu tấn lúa hè thu và thu đông sớm chưa thu hoạch. Đại diện Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho rằng, trong khi giá lúa thấp, tiêu thụ khó khăn thì giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, gây lo lắng cho nông dân. “Chính phủ, các bộ, ngành cần kiểm soát chặt chẽ giá phân bón, có biện pháp giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để nông dân yên tâm tái sản xuất” - đại diện Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ kiến nghị.

Do điều kiện thời tiết, lúa được thu hoạch càng sớm càng tốt

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Bùi Thị Thanh Tâm kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, chuỗi cung ứng logistics lúa gạo hiện đang bị đứt gãy do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu. Vinafood 1 hiện tồn kho hơn 118.000 tấn gạo, các kho đang trữ từ 77-86% công suất nên muốn mua thêm thì phải giải phóng hàng tồn.

“Cần nâng công suất hoạt động của cảng Mỹ Thới (An Giang) và cảng Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, đẩy nhanh tiến độ đóng container, phối hợp giải quyết thủ tục xuất hàng để giải bài toán đầu ra cho lúa gạo ở ĐBSCL” - bà Tâm nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, thu mua, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện con người phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp). Các DN cập nhật danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Đồng thời sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).

Các tỉnh cũng thống nhất sẽ thành lập tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho DN thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.

Dù một số tỉnh đã thống nhất, đối với nông dân, đội ngũ thu hoạch, ghe thu mua lúa, được tạo thuận lợi thăm đồng, thu hoạch, vận chuyển lúa ban đêm nhưng trên thực tế, nhiều nơi vẫn phạt nhân công đi thu hoạch, bốc vác, vận chuyển nông sản khi di chuyển sau 18 giờ. Doanh nghiệp, nông dân đề nghị cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN