Đi tìm "Hạt ngọc trời"
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lui tới những cánh đồng bậc thang xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang (Gia Lai), nơi cho ra đời giống lúa quý mang tên Ba Chăm hay còn gọi là "hạt ngọc trời".
Sở dĩ gọi gạo Ba Chăm là "hạt ngọc trời" bởi lẽ đây là giống lúa quý, được đồng bào Ba Na chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống (chọc, trỉa), chỉ dựa hoàn toàn vào tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...
Trải qua một quá trình dài tương thích với khí hậu, thổ nhưỡng nên giống lúa Ba Chăm có sức đề kháng rất tốt, cây hầu như không bị sâu bệnh, phát triển dựa vào nước trời.
Lễ đón nhận giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của UBND huyện Mang Yang. Ảnh: P.V
Cuối tháng 12/2020 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00093 với chỉ dẫn địa lý "Mang Yang" cho sản phẩm gạo Ba Chăm; khu vực địa lý gồm các xã: Đăk Trôi, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar (huyện Mang Yang).
Về với Đăk Trôi mùa này, chúng ta có thể thấy được không khí nhộn nhịp, tất bật của những bác nông dân đang chuẩn bị cho một vụ mùa mới, những cánh đồng lúa mới. Thời điểm thích hợp theo người Ba Na để xuống giống là khoảng tháng 3,4 (mùa khô).
Những hạt lúa Ba Chăm kiên trì ẩn mình trong đất, đợi những cơn mưa đầu mùa trút xuống mới nứt mầm vươn lên. Cứ thế, cây lúa Ba Chăm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất.
Điều đặc biệt ở loại lúa này một năm chỉ xuống giống một lần. Sau vụ thu hoạch, người dân nơi đây lại phơi ruộng, cho đất nghỉ ngơi chờ mùa gieo sạ mới.
Xuất xứ của giống lúa Ba Chăm có lẽ ít ai có thể biết đến, vì sinh ra người dân nơi đây đã thấy giống lúa này.
Tâm sự với chúng tôi, già làng Bluch (72 tuổi, làng Đê Klong, xã Đăk Trôi) bộc bạch: "Mình cũng sinh ra và lớn lên ở đây nhưng không biết chính xác giống lúa Ba Chăm có từ khi nào. Chỉ biết rằng dân làng mình đã ăn gạo này từ rất lâu rồi, từ đời mình đến đời con cháu cứ ăn hạt gạo này để lớn lên thôi. Hiện tại, mình thì không làm nữa nhưng con cháu của mình làm rất nhiều. Gạo Ba Chăm khi nấu cơm ăn rất ngon, dẻo mà không bị thiu nữa".
Tương tự già làng Bluch, anh Yoanh (trú tại xã Đăk Trôi) cũng chỉ biết gạo Ba Chăm có từ rất lâu, được ông bà để lại chứ không biết xuất xứ từ đâu mà có. "Ở đây mọi người chỉ ăn gạo Ba Chăm thôi, không ai trồng lúa khác cả. Gạo ngon nên nhiều người ở thành phố tìm về mua lắm. Trước đây chỉ trồng để ăn, giờ hạt gạo Ba Chăm còn có thể bán"- anh Yoanh tâm sự.
Người dân thu hoạch lúa Ba Chăm trên cánh đồng xã Đăk Trôi
Giống lúa Ba Chăm có thân to, cao, sức đề kháng tốt, vì dựa hoàn toàn vào tự nhiên nên gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ. Điều kiện tự nhiên và mùa vụ canh tác dài ngày đã giúp cây lúa nơi đây có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt gạo thơm ngon.
Trước đây, lúa Ba Chăm chỉ cho năng suất tầm 2,6 tấn/ha vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Hiện nay, nhờ một số diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước nên năng suất tăng lên 3,2 tấn/ha. Hiện huyện Mang Yang đang trồng và chăm sóc khoảng 2.032ha lúa Ba Chăm, sản lượng hơn 6.900 tấn.
Đưa gạo Ba Chăm vươn ra thế giới
Nhằm nâng tầm thương hiệu cho giống lúa quý Ba Chăm, trong năm 2019 UBND huyện Mang Yang đã hỗ trợ cho sản phẩm gạo Ba Chăm định hình thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.
Mục tiêu của đợt hỗ trợ này là khôi phục giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập quy trình sản xuất tối ưu cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển gạo Ba Chăm trở thành gạo đặc sản được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời, xây dựng gạo Ba Chăm thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.
Ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: "Trong 3 năm, từ năm 2017-2020, UBND huyện đã triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 524 triệu đồng/năm.
Nhờ dự án này, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, tăng thu nhập. Đồng thời, đảm bảo vùng nguyên liệu lúa Ba Chăm ổn định về sản lượng, chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Ba Chăm Mang Yang.
Trong 3 năm liên tiếp gạo Ba Chăm từng bước khẳng định vị thế, năm 2018 gạo Ba Chăm được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; năm 2019 được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh và được Bộ NNPTNT công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.
Theo Dân Việt