Cuộc thi đã trở thành hoạt động truyền thống do Bảo tàng tỉnh phối hợp Thư viên tỉnh tổ chức nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa về quê hương và con người An Giang; phát huy lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân. Đây là dịp để mỗi người con An Giang hiểu hơn về lịch sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của Nhân dân ta trong thời dựng nước và giữ nước. Từ đó, cùng nhau tiếp tục bồi dưỡng truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là sinh viên (SV) năm thứ 3 của Học viện Hành chính quốc gia (TP. Hồ Chí Minh), Trần Thúy Quỳnh Như (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đã mạnh dạn tham gia cuộc thi sau khi tìm hiểu thông tin trên báo chí. Như chia sẻ: Là con của quê hương An Giang nên lúc nào em cũng hướng về quê hương mình. Tham gia cuộc thi lần này không chỉ giúp em hiểu thêm về quê hương, con người An Giang mà qua đó còn động viên em nỗ lực phấn đấu học tập, lao động tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội; phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương…
Trong phần thi tự luận, Quỳnh Như chọn câu hỏi về phát triển du lịch An Giang. “Em thấy An Giang mình có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tỉnh cũng đã và đang tập trung khai thác. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã xác định du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, phần tự luận của em hướng đến những giải pháp với mong muốn những đóng góp nhỏ bé của mình góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch tỉnh nhà tốt hơn”.
Là người có bài tự luận hay nhất, chị Trần Thị Tuyết Linh (công tác tại Ban Dân vận Thành ủy Long Xuyên) chia sẻ: sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Còn gì hào hứng bằng khi ta tìm hiểu lịch sử nơi mà ta sinh ra và lớn lên. Nơi mà ông cha ta đã đổ biết bao máu xương để giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Chính những nhân chứng lịch sử ấy cùng thắng cảnh thiên nhiên hữu tình và con người đôn hậu, thủy chung của vùng đất An Giang đã thôi thúc tôi đến với cuộc thi. Tôi nghĩ rằng, đây còn là động lực to lớn để mỗi chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách, viết tiếp trang sử hào hùng cho mảnh đất quê hương.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Lên, Trưởng BTC cuộc thi cho biết: cuộc thi lần này có số lượng người tham gia khá rộng rải như: học sinh, SV, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể… trong và ngoài tỉnh. Trong trình bày nội dung, người dự thi cơ bản đáp ứng đầy đủ các câu hỏi trắc nghiệm và một số câu để viết tự luận.
Về bài tự luận ở câu 1, đa số người dự thi đều nói về thế mạnh của du lịch An Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa nêu bật được thực trạng của dịch vụ du lịch. Câu 2, người dự thi đều nhận thấy rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc tìm hiểu và đưa ra giải pháp để nâng kiến thức về lịch sử địa phương… nhưng chưa nêu được thực trạng của việc học lịch sử hiện nay. Câu 3, các bài viết chưa nêu bật được nguy cơ mất cân bằng sinh thái, sự thoái hóa chất lượng tài nguyên nông nghiệp và giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Nhìn chung, có nhiều bài dự thi trình bày công phu, có hình ảnh minh họa chi tiết, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc. BTC mong rằng qua cuộc thi năm nay, người dự thi sẽ có thêm kinh nghiệm để đạt kết quả cao hơn ở lần dự thi năm 2018.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Văn Lên khen thưởng cho thí sinh Trần Thúy Quỳnh Như.
Ban Tổ chức trao thưởng cho thí sinh Trần Thị Tuyết Linh.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH