Dịch tả lợn châu Phi quay lại, nông hộ lo tái đàn gặp "quả đắng"
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tuần qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại một hộ chăn nuôi ở thôn Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa). Hai con lợn nái và 1 con lợn thương phẩm với tổng trọng lượng 367kg được phát hiện ốm chết, dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Hiện tại, số lợn trên đã được tiêu hủy. Hộ chăn nuôi còn lại 1 con lợn nái và 8 con lợn mới sinh nhưng có kết quả âm tính với virus tả lợn châu Phi và đang được giám sát, theo dõi.
Trước đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến đầu tháng 4 Hà Nội tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi ở hai huyện Sóc Sơn và Thạch Thất. Trạm thú y xã và chính quyền địa phương đã phối hợp tiêu hủy 118 con lợn với trọng lượng hơn 8.000kg theo đúng quy trình và áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.
Như vậy sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch này đã tái phát khiến Hà Nội phải nâng cao mức đề phòng trong bối cảnh nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi đang tăng cao.
Cơ quan chức năng TP.Hà Nội tiến hành tiêu huỷ lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi theo quy định.
Đáng chú ý, sau gần 2 tháng công bố hết dịch, tại tỉnh Bắc Kạn lại xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Bắc Kạn, khoảng 2 tuần qua rải rác có hiện tượng lợn ốm, chết tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới và Chợ Đồn. Tại huyện Ngân Sơn, xác định điểm dịch tại hộ chăn nuôi ở xã Vân Tùng với 69 cá thể lợn dương tính với tả lợn châu Phi. Tại các huyện Chợ Mới và Chợ Đồn cũng rải rác xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết. Kết quả mẫu xét nghiệm đều dương tính với tả lợn châu Phi.
Hiện cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy mẫu, tiêu hủy và khoanh vùng dập dịch theo quy định. Ông Nông Quang Nhất, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết, chưa xác định được nguyên nhân cũng như nguồn lây bệnh, do các hộ chăn nuôi chỉ lấy con giống trong tỉnh.
Năm 2019, tả lợn châu Phi đã bùng phát tại Bắc Kạn với hơn 27.000 con lợn phải tiêu hủy. Địa phương đang bắt đầu cho tái đàn theo hướng an toàn sinh học với tổng đàn hiện có khoảng gần 140.000 con, tuy nhiên, giá lợn giống cao đã khiến việc tái đàn gặp không ít khó khăn, cộng với bệnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại khiến bà con lo việc tái đàn sẽ gặp "quả đắng".
Giá heo hơi hôm nay 22-4: Dấu hiệu hạ nhiệt
Theo ghi nhận của PV, giá heo hơi hôm nay 22/4 tại nhiều địa phương vẫn đang duy trì ở ngưỡng cao chót vót 90.000-93.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng cao và tình trạng khan hiếm trên thị trường đã đẩy mức giá heo mảnh tại các chợ đầu mối vọt lên 130.000 đồng/kg.
Trong đó, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc ghi nhận dao động từ 88.000 - 93.000 đồng/kg, cá biệt một vài nơi do khan hiếm cục bộ nên giá cao hơn mức bình quân chung, như ở Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình heo có trọng lượng từ 115 - 120kg có thể lên đến 94.000 - 95.000 đồng/kg; tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang…, giá lợn hơi dao động từ 90.000 - 92.000 đồng/kg.
Do nhập buôn thịt lợn mảnh với giá cao nên tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống rất chật vật, không dám tăng giá bán lẻ thịt lợn vì lo khách hàng quay lưng khi giá gia cầm đang rất rẻ. Ảnh minh hoạ: M.H
Thị trường heo hơi miền Trung hôm nay tiếp tục ghi nhận mức giá tăng nóng, nhiều địa phương thậm chí còn cao hơn cả miền Bắc. Ví dụ như ở Nghệ An, Thanh Hoá giá lợn hơi đạt 90.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với hôm qua. Tại Đắk Lắk, giá heo hơi tăng tới 8.000 đồng/kg, đạt 92.000 đồng. Hay như ở Bình Thuận, một chủ trại cho biết đã có thương lái trả giá heo hơi ở mức 93.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá heo hơi cũng liên tục biến động và đang dao động quanh mức 85.000 - 91.000 đồng/kg. Trong đó, giá heo hơi hôm nay tại Đồng Nai quanh mức 90.000-91.000 đồng/kg; TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre cùng lên mức 90.000 đồng/kg.
Các tỉnh miền Tây giá heo hơi thấp hơn, như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long có giá 85.000 đồng/kg; Tp.Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang ở mức 87.000 đồng/kg.
Do nhập buôn vào với giá cao nên tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống rất chật vật.
Tuy nhiên trong ngày hôm qua, thị trường thịt heo đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh), tổng lượng heo hơi về chợ chỉ khoảng 3.100 con nhưng tiểu thương bán hàng rất khó khăn, chợ ế khiến giá heo mảnh sụt giảm.
Đáng chú ý, sau khi một số siêu thị lớn triển khai Tuần lễ bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm, tìm mua mặt hàng này nhiều hơn vì giá rẻ hơn thịt ngoài chợ khoảng 37%, trong khi chất lượng thịt lợn đông lạnh nhập từ Mỹ, Canada, Liên bang Nga không hề thua kém.
Cụ thể, giá thịt sườn heo đông lạnh tại siêu thị BigC hiện ở mức 119.000 đồng/kg, ba chỉ đông lạnh 149.000 đồng/kg, thịt thăn đông lạnh 146.000 đồng/kg. Thịt sườn đông lạnh ướp giá 139.000 đồng/kg (mức giá cũ là 210.000 đồng/kg).
Theo đại diện BigC khu vực phía Nam, BigC hi vọng “Tuần lễ thịt heo nhập khẩu” (18 – 26-4-2020) sẽ giúp siêu thị tiêu thụ hàng chục tấn thịt heo nhập khẩu, góp phần kéo giá thịt trong nước bình ổn trở lại cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân.
Thủ tướng giao 4 Bộ thực hiện bình ổn giá, tăng thịt lợn nhập khẩu
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng 21-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”, Thủ tướng đặt vấn đề, “người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng?".
Theo đó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 4 Bộ, gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.
“Chúng ta động viên các doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý”, Thủ tướng nói và khẳng định chi phí cho khâu trung gian hiện rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Theo Dân Việt