Giá lúa tiếp tục tăng

17/07/2023 - 08:20

Giá lúa các loại ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục tăng.

Nông dân thành phố Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg.

Nhưng ở Sóc Trăng, giá lúa tăng so với tuần trước như: Đài thơm 8 ở mức 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; RVT là 8.100 đồng/kg, cũng tăng 100 đồng/kg; OM 5451 tăng 200 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang cũng có sự gia tăng ở một số loại như: IR 50404 ở mức 7.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng OC10 vẫn ở mức 6.800 đồng/kg.

Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại, như IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; thì OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine cũng vẫn ở mức 7.000 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg.

Giá lúa ở Hậu Giang vẫn ổn định như: IR 50404 lên 7.400 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg, OM 18 là 7.700 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 từ 6.900 - 7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.500 - 6.700 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 6.700 - 6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 tăng 200 đồng/kg, từ 6.600 - 6.900 đồng/kg.

Nếp khô tại An Giang có giá từ 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô từ 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất lúa gạo, Đồng Tháp đã có trên 44.400 ha, chiếm tỷ lệ 21% tổng diện tích sản xuất. Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Vinarice, Hiếu Nhân, Tân Tiến Phúc, Tập đoàn Lộc Trời…

Vụ Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh An Giang xuống giống 228.900 ha; trong đó, có 14 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các hợp tác xã và nông dân với diện tích trên 145.000 ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 26.275 ha, đạt 11,48% diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 5,84 tấn/ha.

An Giang nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng; trong đó, vận động nông dân trồng giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, Jasmine... 

Trong khi giá lúa thị trường trong nước vẫn đi lên thì trên thị trường gạo châu Á, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, một động thái có thể đẩy giá gạo lên cao hơn, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino đang quay trở lại.

Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải gạo basmati. Động thái này của các nhà chức trách Ấn Độ được xem là nhằm tránh nguy cơ lạm phát tăng cao hơn trước cuộc bầu cử.

Dự kiến, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước, nhưng nó có nguy cơ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn. Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung gạo toàn cầu. Giá gạo đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm do lo ngại rằng sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino sẽ gây thiệt hại cho mùa màng. 

Trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ đã tăng gần 10% trong vài tuần qua, nhưng vẫn ở mức khá cạnh tranh do giá gạo từ các nguồn cung khác cũng tăng. BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) cho biết giá gạo Ấn Độ đã tăng 5 - 10% trong thời gian gần đây, nhưng đây là điều thường xảy ra trong mùa giáp hạt từ tháng Bảy đến tháng Chín hàng năm

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản thuộc các hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) đồng loạt tăng trong phiên giao dịch cuối tuần này, dẫn đầu là lúa mỳ.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 tăng 13,25 xu Mỹ (2,65%) lên 5,1375 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 tăng 21,75 xu Mỹ (3,4%) lên 6,615 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng nhẹ 1 xu Mỹ (0,07%) lên 13,7075 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã nhất trí rằng cần duy trì mở cửa hành lang ngũ cốc ở Biển Đen. Tuy nhiên, Chính phủ Nga vẫn chưa xác nhận về một thỏa thuận. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng có 15 - 20% khả năng hành lang ngũ cốc ở Biển Đen sẽ tiếp tục được mở.

Trong khi đó, lượng mưa hạn chế được dự báo sẽ diễn ra ở khu vực đồng bằng phía Bắc và phía Tây Bắc của khu vực Trung Tây nước Mỹ vào ngày 25/7 tới.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London đảo chiều đi lên sau phiên giảm trước đó. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2023 tăng 15 USD, lên 2.540 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 11/2023 tăng 5 USD, lên 2.405 USD/ tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hồi phục. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 tăng 3,2 xu Mỹ, lên 160,80 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng thêm 3,25 xu Mỹ lên 160,30 xu/lb. Khối lượng giao dịch ở trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).

Giá cà phê hai sàn cùng xu hướng hồi phục nhờ các thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, khiến “đồng bạc xanh” sụt giảm trong rổ tiền tệ mạnh, nhân tố góp phần kích thích hoạt động đầu cơ và các quỹ quay lại các thị trường hàng hóa.

Theo TTXVN