Giá trị bảo vật Mukhalinga Ba Thê

14/08/2023 - 00:16

 - An Giang là tỉnh biên giới, có nhiều dân tộc, là nơi khai sinh nhiều tôn giáo bản địa. Tỉnh cũng sở hữu kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú và đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, 8 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia (đều thuộc Văn hóa Óc Eo).

Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia

Không gian trưng bày bảo vật quốc gia tại An Giang

Óc Eo là nền văn hóa thuộc Vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á. Những hiện vật được phát hiện của nền văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ quá trình mở mang, khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt.

Trong 8 hiện vật đặc biệt đó, Mukhalinga Ba Thê là tác phẩm nghệ thuật có tạo hình điêu khắc hoàn thiện và độc đáo, là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ phản ánh quá trình giao lưu văn hóa, mà còn phản ánh những thành tựu văn hóa - lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá, phát triển vùng đất.

Linga là biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống. Mukha - trong tiếng Phạn có nghĩa là “khuôn mặt”. Mukhalinga là loại linga 3 phần có khuôn mặt, phần hình trụ tròn có khắc khuôn mặt thần Shiva dưới dạng phù điêu.

Hiện vật Mukhalinga Ba Thê là 1 linga 3 phần đều nhau trong tổng thể hình trụ vuông thuôn dài, từ dưới lên, đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Ba Thê nói riêng và văn hóa Óc Eo nói chung. Đây là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình đến triết lý tôn giáo.

Hiện vật là sản phẩm quan trọng của quá trình trao đổi, tiếp xúc giữa văn hóa bản địa và yếu tố văn hóa ngoại nhập, góp phần làm rõ nét hơn diện mạo Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (vốn được nhận thức là một trung tâm dân cư - kinh tế - văn hóa phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam).

Thông qua diễn biến của đặc điểm loại hình học, loại hình hiện vật linga trở thành căn cứ khoa học để nghiên cứu so sánh, là cơ sở xác lập các giai đoạn phát triển và mối quan hệ văn hóa cho các di tích khác trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.

Bảo vật quốc gia Mukhalinga Ba Thê

“Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, hiện vật Mukhalinga Ba Thê được Hội đồng Di sản quốc gia thống nhất đề nghị công nhận; được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 41/QĐ-TTg, ngày 30/1/2023 công nhận Mukhalinga Ba Thê là bảo vật quốc gia (đợt 11 năm 2022). Sự kiện này thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất An Giang.

Đây không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân tỉnh nhà, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp bày tỏ.

Mukhalinga Ba Thê hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh cùng với 5 bảo vật khác (Tượng Brahma Giồng Xoài; bộ Linga - Yoni Đá Nổi; tượng Phật đá Khánh Bình; tượng Phật gỗ Giồng Xoài; bộ Linga - Yoni Linh Sơn). 2 bảo vật quốc gia còn lại (nhẫn Nandin Giồng Cát và phù điêu Phật Linh Sơn Bắc) được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo.

“Đây là kết quả đầy khích lệ, vinh dự của tỉnh An Giang, khẳng định những giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm trước mắt và lâu dài trong việc gìn giữ, bảo quản, phát huy hiệu quả giá trị của các bảo vật quốc gia; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến Nhân dân về giá trị vô giá ấy.

Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào về quê hương, cùng chung tay xây dựng, phát triển bản sắc văn hóa tỉnh An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, được Nhà nước bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.

MINH THƯ