Giá xăng có thể sẽ xô đổ mốc hơn 30.000 đồng/lít?

15/05/2022 - 10:44

Thị trường biến động nhanh, giá đổi chiều liên tục là nội dung chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu khi theo dõi giá cả mặt hàng này mấy ngày vừa qua.

Xăng dầu trải qua phiên tăng thứ ba liên tiếp với mức tăng mạnh kể từ ngày 21/4. Sau điều chỉnh gần đây nhất, xăng E5 RON 92 hiện được bán với giá 28.959 đồng/lít, RON 95 là 29.988 đồng/lít, dầu diesel 26.650 đồng/lít, dầu hỏa 25.168 đồng/lít. Mức giá này sẽ được áp dụng ở danh sách các tỉnh thành phố thuộc vùng 1.

Còn ở vùng 2, tức là các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở, giá xăng dầu còn ở mức cao hơn. Cụ thể, giá xăng RON 95 được bán ở các nơi thuộc danh mục vùng 2 sau kỳ điều chỉnh chiều nay là 30.570 đồng/lít; xăng E5 RON 92 là 29.520 đồng/lít (chi tiết các địa phương thuộc vùng 2).

Từ đầu năm tới nay, trong tổng số 12 kỳ điều hành giá thì có đến 9 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm (Biểu đồ: N.M).

Đáng chú ý, theo nhiều dự báo trong kỳ điều chỉnh sắp tới (21/5), giá xăng còn tiếp tục tăng. Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, thị trường thế giới gần đây biến động nhanh, giá đổi chiều liên tục. Cụ thể, nếu như vài ngày quanh phiên điều chỉnh hôm 11/5, giá mặt hàng này giảm về dưới 100 USD, mức thấp nhất trong hai tuần qua thì nay lại vọt tăng trở lại.

"Giá cơ sở trong nước hiện lại lỗ khoảng 300-600 đồng với mỗi lít xăng, còn dầu thì đang dương khoảng 400-700 đồng", vị này cho biết sau khi tính toán các số liệu đầu vào cùng chi phí thuế phí. Nếu cứ đà này tiếp diễn, doanh nghiệp dự báo khả năng phiên điều chỉnh tới, giá xăng sẽ xô đổ mốc 30.000 đồng/lít - kỷ lục mới thiết lập.

"Còn khoảng 6 ngày nữa mới tới ngày điều chỉnh giá, cũng không loại trừ khả năng đảo chiều giảm giá bởi thị trường biến động rất nhanh", giám đốc doanh nghiệp xăng dầu nhận định.

Trong khi đó truyền thông quốc tế đưa tin, giá dầu leo dốc do lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu gia tăng khi Nga tuyên bố sẽ dừng đưa khí đốt sang châu Âu qua đường ống Yamal. Bên cạnh đó, một lệnh cấm vận đang chờ thông qua của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu từ Nga được cho là sẽ làm eo hẹp hơn nữa nguồn cung toàn cầu.

Theo NGUYỄN KHÁNH (Dân trí)