Ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Búa Liềm Vàng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Thành công của giải tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Số lượng tác phẩm tăng mạnh
Nhìn nhận về Giải Búa Liềm Vàng lần thứ hai, ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Giải Búa Liềm Vàng đánh giá giải đã được Ban Tổ chức Trung ương, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức thành công.
Theo ông Mai Văn Chính, Giải Búa Liềm Vàng năm 2017 đã được các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai ở các bộ, ngành, địa phương, thu hút rất nhiều cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên và cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia viết bài hưởng ứng giải.
Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm tham gia giải năm nay tăng mạnh. Qua hơn 9 tháng triển khai, đến ngày 15-11-2017, cơ quan Thường trực Giải đã tiếp nhận 1.986 tác phẩm hợp lệ, tăng 69,3% so với Giải Búa Liềm Vàng lần thứ nhất. Đặc biệt, các tác phẩm tham dự giải năm nay có chất lượng tốt hơn năm 2016. Các tác phẩm báo chí tham dự Giải đa dạng ở thể loại, phong phú về chủ đề, phản ánh toàn cảnh công tác xây dựng Đảng ở khắp các vùng miền, lĩnh vực.
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện gương người tốt, việc tốt, có tác dụng lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; có tác phẩm phản ánh cách làm hay, sáng tạo, gợi mở những mô hình mới. Một số tác phẩm phản ánh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có kết quả cụ thể, thiết thực, tạo ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc và khán thính giả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Một số tác phẩm đã có tác động xã hội mạnh mẽ, tạo dư luận xã hội và nêu vấn đề để các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết...
Nội dung đa dạng, có chiều sâu
Nhận định về những nét mới của Giải Búa Liềm Vàng năm nay, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Giải Búa Liềm Vàng Mai Văn Chính nhấn mạnh không chỉ có những phóng viên, biên tập viên và cán bộ, đảng viên ở trong nước, mà còn có một số tác phẩm do cán bộ, đảng viên đang công tác ở ngoài nước gửi về tham dự giải.
Ban Tổ chức giải đã phối hợp với Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng Đảng cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí ở Trung ương và một số địa phương. Do vậy, các tác phẩm báo chí tham dự giải đã có chiều sâu hơn về nội dung xây dựng Đảng.
Nhiều tác phẩm tập trung vào các chủ đề: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn, quy trình nhằm hạn chế những yếu kém, tiêu cực trong công tác tổ chức-cán bộ. Nhiều tác phẩm phản ánh thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở; phát triển Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước…
Ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng Chung khảo đánh giá cao về chất lượng của những tác phẩm dự thi lần này khi xuất hiện nhiều loạt bài được tổ chức rất bài bản, đầu tư công phu.
Bên cạnh các tác phẩm của các tạp chí mang tính lý luận như Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Kiểm tra..., nhiều tác phẩm của đơn vị báo chí, đặc biệt cơ quan báo chí lớn không đơn thuần là tuyên truyền nghị quyết mà đã đề cập, phản ánh sâu về công tác xây dựng Đảng trên thực tiễn, kể cả công tác tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài...
Nhiều bài viết về tấm gương đảng viên tận tụy với công việc trong xây dựng nông thôn mới, dạy học vùng cao, vùng biên giới, đảng viên người dân tộc thiểu số… có chất lượng cao. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tác phẩm viết về vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được dư luận quan tâm.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm thuộc thể loại Phát thanh tham dự Giải năm nay, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thành viên Hội đồng Chung khảo khẳng định, Đài Tiếng nói Việt Nam xác định Giải báo chí về Xây dựng Đảng mang tên Búa Liềm Vàng là giải quan trọng, cần có sự đầu tư trong chỉ đạo, định hướng, tổ chức cho cán bộ, phóng viên thực hiện bài tham dự. Các bài gửi dự thi của cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã thể hiện sinh động gương các Bí thư Chi bộ của thời kỳ mới. Từ những tiêu cực xảy ra tại một địa phương ở ngoại thành Hà Nội, phóng viên cũng đã tìm tòi, chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm, giải pháp khắc phục và thể hiện trong tác phẩm.
Coi trọng chất lượng tác phẩm
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Giải Búa Liềm Vàng Mai Văn Chính đánh giá thành công của giải là do công tác tổ chức bài bản, chặt chẽ. Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông và các đơn vị đồng tổ chức xây dựng Kế hoạch chi tiết tổ chức giải (Kế hoạch số 76-KH/BTCTW ngày 17-5-2017).
Trong quá trình thực hiện, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Công văn đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan báo chí trong phạm vi phụ trách tích cực hưởng ứng giải.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng có công văn gửi các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, chi hội, liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội, hướng dẫn và động viên các hội viên tích cực sáng tác tác phẩm dự giải.
Sau Giải Búa Liềm Vàng lần thứ nhất, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã rút kinh nghiệm cho tổ chức việc hưởng ứng Giải Búa Liềm Vàng năm nay. Các địa phương, đơn vị đã triển khai bài bản, quy mô hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở các địa phương chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Do vậy, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng rất được các cơ quan báo chí và nhân dân quan tâm theo dõi, cổ vũ cho phóng viên và những người viết báo say mê tìm tòi, phát hiện chủ đề, vấn đề để sáng tác tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống…
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung, thành viên Hội đồng Chung khảo, Giải Búa Liềm Vàng năm 2017 cũng còn một số điểm hạn chế cần rút kinh nghiệm.
Cụ thể, tuy số lượng gửi tham dự giải nhiều nhưng một số cơ sở gửi tác phẩm thiếu chọn lọc, chất lượng không cao. Tỷ lệ bài viết về những tấm gương đảng viên điển hình, những mô hình, mặt tích cực mang tính nêu gương còn khiêm tốn. Nhiều loạt bài dài nhưng yếu tố mới không nhiều, chủ yếu mang tính liệt kê, tổng hợp mà thiếu giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác xây dựng Đảng. Loạt bài xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng tức là đấu tranh chống “tự diễn biến," "tự chuyển hóa” không có tính mới, cách viết còn khô khan.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng để mùa giải sau có nhiều tác phẩm thành công hơn nữa, tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, các tác giả cần chú trọng đến việc chọn đề tài. Đây là yếu tố quan trọng bởi khi có đề tài hay, người viết đã đạt được thành công bước đầu.
Tuy nhiên, để triển khai đề tài đó thành một tác phẩm chất lượng, người viết cần đi sâu nghiên cứu. Tác phẩm không nên chỉ nêu thực trạng mà quan trọng hơn là chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp căn cơ để khi khán giả, độc giả, thính giả tiếp cận với tác phẩm có thể thấy được những bài học, cách làm mà họ có thể học tập được. Đó chính là điều tích cực báo chí có thể mang lại. Bài viết cần được triển khai mạch lạc, có luận cứ, luận điểm rõ ràng.
Song song với việc nỗ lực tinh gọn ngôn ngữ, thời lượng, dung lượng thể hiện tác phẩm, báo chí còn cần có văn phong, lối diễn đạt trong sáng. Ở thể loại báo in, bên cạnh việc viết bài hay, tác phẩm còn cần được trình bày khoa học, mang tính thẩm mỹ. Thể loại truyền hình phải phối hợp được ngôn ngữ của cả phát thanh và truyền hình...
Theo HOA HẠNH PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)