Giám sát dịch bệnh trên thủy sản

05/01/2023 - 05:37

Chiếm diện tích không lớn, nhưng thủy sản mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Do đó, cần chủ động giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, năm 2021, có 78ha và 252 lồng bè thủy sản nuôi bị bệnh, chủ yếu là cá tra với 74,3ha (19,7ha bị bệnh gan thận mủ, 53,2ha bị bệnh xuất huyết và 1,4ha bị bệnh do môi trường). Đối với các loài thủy sản khác, có 2ha cá lóc, 1,7ha cá rô, 95 lồng bè cá rô phi, điêu hồng và 157 vèo nuôi cá nàng hai bị bệnh xuất huyết.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng diện tích thủy sản nuôi bị bệnh là hơn 150ha và 643 lồng, bè, vèo. Trong đó, diện tích cá tra bị bệnh là 113ha (41ha bệnh gan thận mủ, 69ha bệnh xuất huyết, 1,5ha bệnh ký sinh trùng, 0,4ha bệnh do môi trường, 1ha bệnh vàng da); 41,6ha cá lóc, 175 vèo cá nàng hai, 311 lồng, bè nuôi thủy sản khác bị bệnh xuất huyết; 157 lồng, bè cá chết do môi trường.

Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện nhiều vào đầu mùa nước lũ (tháng 6-7) và thời điểm nước lũ rút kết hợp với gió mùa Đông Bắc (tháng 10-12). Sự biến đổi các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa của môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, làm thủy sản nuôi bị stress, dễ mẫn cảm với mầm bệnh. Vào các thời điểm này, tỷ lệ diện tích thủy sản bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng cao hơn thời điểm khác trong năm.

Năm 2021, do thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nghề nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá bán một số loài thủy sản tăng lên, đặc biệt là cá tra, người nuôi tái đầu tư sản xuất, tăng mật độ nuôi và tăng số lượng, số lần cho ăn, nhằm tăng sản lượng, rút ngắn thời gian nuôi, kéo theo diện tích thủy sản nuôi bị bệnh tăng. Tuy nhiên, bệnh chỉ xuất hiện rải rác, tỷ lệ nhiễm bệnh không đáng kể, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn cá giống và cá nhỏ (dưới 300gr).

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký Quyết định 3066/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi giai đoạn 2023-2025. Qua đó, nhằm chủ động phòng và khống chế hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Cụ thể, đối với bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết trên cá tra, bệnh do vi khuẩn Streptococcus.spp, Aeromonas.spp và Pseudomonas.spp trên cá nuôi nước ngọt, đảm bảo diện tích bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích thả nuôi.

Đối với bệnh do Tilapia Lake Virus (TiLV) trên cá rô phi, điêu hồng, bệnh trắng đuôi (WTD) và bệnh do Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1) trên tôm càng xanh, không để mầm bệnh lây lan rộng và gây thiệt hại cho người nuôi. An Giang xây dựng ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để cung cấp con giống chất lượng, sạch bệnh cho nuôi thương phẩm nội địa và xuất khẩu.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh An Giang giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, như: Phương pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá tra, cá lóc, cá rô phi, điêu hồng, tôm càng xanh; danh mục hóa chất kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cho hộ nuôi thủy sản.

Đồng thời, tập huấn, cập nhật kiến thức về nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên thủy sản (quản lý nuôi cá tra an toàn dịch bệnh; bệnh thủy sản và phương pháp phòng trị bệnh; cách ghi chép, thu thập, phân tích số liệu, báo cáo dịch bệnh và vẽ bản đồ dịch tễ; trình tự, thủ tục, kế hoạch giám sát… trong xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên thủy sản) cho công chức, viên chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố, nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn; tập huấn phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi.

Tỉnh trang bị máy đo môi trường đa chỉ tiêu (ô-xy hòa tan, pH, NH3) cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện quan trắc khi có trường hợp cá chết đột xuất trong ao hay trên khu vực nuôi lồng, bè, để có khuyến cáo giải pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, trang bị bộ test nhanh chỉ tiêu ô-xy hòa tan, pH, độ kiềm, NH3, H2S, NO2 cho Trạm Chăn nuôi và Thú y  phát triển nuôi trồng thủy sản, có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế dịch bệnh gây thiệt hại và lây lan.

Nhằm chủ động giám sát dịch bệnh trên cá tra, mỗi tháng, ngành chuyên môn chọn ngẫu nhiên 20 cơ sở nuôi thương phẩm và 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trên vùng nuôi trọng điểm toàn tỉnh. Mỗi cơ sở chọn 1 ao thu mẫu liên tục từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm (9 đợt thu, với 270 mẫu/năm). Đối với cá lóc, mỗi tháng chọn ngẫu nhiên 5 cơ sở nuôi thương phẩm và sản xuất giống, mỗi cơ sở chọn 1 ao thu mẫu liên tục từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm (9 đợt thu với 45 mẫu/năm); áp dụng tương tự với cá rô phi, điêu hồng.

Trên tôm càng xanh, thực hiện thu mẫu trong giai đoạn 1-2 tháng đầu của vụ nuôi nhằm phát hiện sớm tôm bị nhiễm bệnh. Ngành chuyên môn thu 20 mẫu/năm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân và An Phú…

NGÔ CHUẨN