Giáo dục STEM đề cao việc hình thành và phát triển khả năng giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.
Cô Lê N. Q. (giáo viên tiểu học) cho biết: “Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp tình huống, vấn đề người học đang phải giải quyết”.
Giới thiệu các sản phẩm, giải pháp giáo dục STEM
Thời gian qua, để đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM chính thức được đưa vào chương trình giáo dục của trường phổ thông. Điều này thể hiện sự điều chỉnh của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại các trường tiểu học, các hoạt động giáo dục từng bước tập trung hướng tới việc cung cấp cho học sinh các tình huống, bối cảnh đa dạng và phong phú, đòi hỏi sự phát triển, vận dụng nhiều tri thức, kỹ năng, cho phép học sinh tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề theo các cách khác nhau nhằm đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời, cung cấp cho học sinh cơ hội sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát triển những năng lực thiết yếu, như: Phát triển kỹ năng đa chiều, áp dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày, tạo cơ hội trải nghiệm khoa học - công nghệ và kỹ thuật trong môi trường thực tế, nâng cao trách nhiệm cá nhân và tinh thần tập thể…
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Long Xuyên), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024. Có 22 trường tiểu học và trên 500 cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham dự ngày hội. Ban tổ chức bố trí 30 gian hàng (22 của các trường, 1 của ban tổ chức, 7 của các đơn vị giới thiệu giải pháp STEM tham gia).
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh (Trưởng ban Tổ chức Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học) cho biết: “Đây là cơ hội để các trường được giao lưu, chia sẻ kiến thức, sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục STEM; tham gia học tập về các sản phẩm STEM được trưng bày, trao đổi các phương pháp thực hành tốt trong tổ chức dạy học STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng cho người học được tăng cường các kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tư duy sáng tạo thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm theo mô hình dạy học STEM”.
Tại ngày hội, các cơ sở giáo dục tiểu học còn được chia sẻ hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm thông qua câu lạc bộ STEM, mô hình dạy học trải nghiệm, trang bị cho học sinh các kỹ năng cơ bản, như: Xử lý tình huống thực tế, giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác, giáo dục nhân cách, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập và đời sống, kỹ năng để trở thành “công dân toàn cầu”… Ngày hội giáo dục STEM còn tổ chức cho học sinh thi thiết kế và chế tạo sản phẩm STEM. Mỗi Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cử 1 đội thi gồm 5 học sinh tham gia thi đấu và 1 giáo viên tư vấn…
Dịp này, Sở GD&ĐT còn tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện mở rộng giáo dục STEM, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được sau thời gian thí điểm đối với 22 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh: “Trên cơ sở thí điểm giáo dục STEM tại 22 trường tiểu học tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, sở khuyến khích các phòng GD&ĐT dựa trên điều kiện thực tế và sự đồng thuận của từng địa phương, của phụ huynh học sinh, từng đơn vị trường học quyết định mở rộng số trường triển khai giáo dục STEM, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
HỮU HUYNH