Công nhân Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) chế tạo và lắp đặt máy biến áp 110 kV - 500 kV.
Ðộng lực tăng trưởng chính giảm tốc
Bức tranh kinh tế Việt Nam bốn tháng đầu năm 2020 đã chuyển sang gam mầu xám do đại dịch Covid-19. Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4 lần đầu giảm trong 5 năm trở lại đây với mức sụt giảm 10,5% so cùng kỳ năm 2019. Ðáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng đã giảm 11,3% so với tháng 3. Tính chung bốn tháng đầu năm, IIP chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua và chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng 3%, đóng góp 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp. Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất giảm sâu, như: sản xuất xe có động cơ, sản xuất đồ uống, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm bia, ô-tô, đường kính, xe máy,... cũng giảm ở mức hai con số.
Thu ngân sách nhà nước tháng 4 giảm mạnh tới 16,4% so với tháng 3 và giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019 do nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp, chỉ bằng 84,5% so cùng kỳ do các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam giảm mạnh; mức giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm 9,6%. Các hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 sụt giảm 26% so tháng 4-2019 và bốn tháng đầu năm 2020 giảm 4,3% so cùng kỳ. Nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ÐKKD) cho biết, trong tháng 4 tất cả các chỉ số về DN thành lập mới, vốn đăng ký và lao động đều giảm hơn 40% so cùng kỳ năm trước, còn số DN rút lui khỏi thị trường tăng 30%. Ðây cũng là lần đầu trong 5 năm qua, số lượng DN thành lập mới sụt giảm vào thời điểm lẽ ra theo thông lệ hằng năm, cộng đồng DN lập kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới với số lượng DN "khai sinh" và DN quay trở lại thị trường đều ở mức cao. Xu hướng của năm 2020 là DN "ngủ đông" nghe ngóng, xem xét diễn biến mới của dịch bệnh trước khi đưa ra quyết định và thu hẹp quy mô để bảo đảm an toàn cho đồng vốn đưa vào kinh doanh. Con số 22.696 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 33,6% so cùng kỳ năm 2019 và vốn đăng ký bình quân một DN giảm xuống còn 11,8 tỷ đồng đã phản ánh rõ điều này. Có thể thấy, tinh thần khởi sự kinh doanh của DN đã bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại và thận trọng trong việc bỏ vốn kinh doanh. Ðây là điều đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tính toán bước đi dài hạn
Ðiểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, bốn tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng giảm 1,54% so với tháng trước. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, thanh khoản thị trường thông suốt, mặt bằng lãi suất giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc nhờ công tác kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả của Chính phủ và đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. Ðộng lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế là đầu tư công đã có chuyển động tích cực. Cụ thể: giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm ước đạt hơn 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công tăng 25% so với bình quân ba tháng đầu năm. Các bộ, ngành, địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân đạt 98,43% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 được Thủ tướng giao.
Ngay tại thời điểm đất nước chuyển sang một giai đoạn mới, công tác phòng, chống dịch, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là lúc DN thuộc một số ngành, lĩnh vực thận trọng mở cửa trở lại, chuyển hướng vào thị trường trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ cần quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ đã ban hành đến tay người dân, DN để bù đắp phần sức lực đã bị bào mòn do dịch bệnh. Cần có các giải pháp mạnh hơn, đó là xem xét khả năng áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí kéo dài sang năm 2021 thay vì chỉ giãn, hoãn thuế như gói hỗ trợ tài khóa tại Nghị định số 41/2020/NÐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đánh giá: Dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thế nhưng, người dân và DN Việt Nam đã không hoảng loạn như giai đoạn 2008 - 2009 nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, sức chống chịu của nền kinh tế và DN đều tăng lên. Ðiểm yếu của cuộc khủng hoảng trước là khu vực tài chính, ngân hàng nhưng trong đại dịch Covid-19, khu vực này đã được củng cố, trở thành giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho DN. Tuy nhiên, tác động của đại dịch còn kéo dài và diễn biến khó lường, Việt Nam cần thực hiện ngay những bước đi dài hạn để không bỏ lỡ cơ hội mới trong bối cảnh kinh tế thế giới được sắp xếp lại. Cụ thể, cần nhanh chóng đánh giá và hoàn thiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới sau đại dịch. Xem xét lại chiến lược công nghiệp hóa để có chương trình, kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó phải xây dựng các giải pháp để DN Việt Nam tham gia
chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TÔ HÀ (Báo Nhân Dân)