Giữ vững “thành trì” sản xuất nông nghiệp

29/08/2021 - 08:45

Ðồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, nhưng hiện nay dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất hầu hết các loại nông sản. Hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất, nối lại các chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến hoạt động trở lại… là yêu cầu cấp thiết để giữ vững “thành trì” sản xuất nông nghiệp.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: QUỐC TUẤN

Giá lúa hè thu năm 2021 hiện khoảng 4.500 - 4.800 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm 2020 từ 900 - 1.150 đồng/kg. Giá cá tra thương phẩm xuống rất thấp, ở mức 21.000 đồng/kg; giá tôm cũng sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng này đang ảnh hưởng lớn đến tái sản xuất. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu ở tất cả các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là dịp cuối năm. Ðó là thông tin từ Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhà máy đóng cửa, chi phí sản xuất cao

Anh Phan Thành Mãi, ở phường An Hòa, thành phố Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp chia sẻ: “Gần 4.000 tấn cá tra của gia đình vẫn đang dưới ao, chưa có người mua, trong khi đó mỗi ngày vẫn phải bảo đảm lượng thức ăn lớn. Nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế này người nuôi không đủ tiền để duy trì ao nuôi chứ chưa nói đến tái sản xuất vụ sau”. Tình cảnh của anh Mãi không phải cá biệt, bởi thời gian qua, số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở do có ca nhiễm Covid-19 hoặc không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”. Như vậy còn 326 trong số 449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía nam tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và phải chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16, ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản. Do thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh đều đang tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ còn gặp thêm khó khăn bởi chi phí sản xuất “ba tại chỗ” rất cao.

Còn đối với hộ nông dân Lý Văn Xum, ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, gia đình anh hiện đã xuống giống 100% diện tích lúa thu đông, nhưng tâm trạng cũng nhiều lo lắng. Anh cho biết: “Giá thành sản xuất lúa mấy vụ gần đây ở mức rất cao do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, giá nhân công cũng cao trong khi không biết khâu thu hoạch, tiêu thụ, giá lúa thời gian tới sẽ như thế nào. Vụ hè thu vừa rồi, nông dân không có lời, thiếu vốn để tái đầu tư. Như gia đình tôi, trước khi thu hoạch lúa 10 ngày, thương lái đặt cọc 2 triệu đồng/ha với mức giá thu mua 5.200 đồng/kg. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, khó khăn đi lại, vận chuyển nên họ đã hủy cọc. Lúa chín rục ngoài đồng, để lại không có kho trữ, phơi sấy, nên đành phải thương thảo với thương lái và họ yêu cầu hạ giá xuống 4.800 đồng/kg. Với mức giá này chỉ lấy công làm lãi thì việc đầu tư vụ thu đông rất khó khăn”. Trong khi đó, với cây nhãn, gia đình anh Xum đã buộc phải hủy đợt ra hoa, coi như bỏ vụ tới đây vì lo ngại thị trường tiêu thụ, cũng vì vụ vừa rồi thua lỗ quá, bán chỉ được 4.000 - 5.000 đồng/kg mà mất hơn sáu tháng chăm sóc với số tiền không nhỏ cho chi phí các loại.

Ðẩy mạnh tiêu thụ, kích hoạt sản xuất

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Ðình Tùng cho biết: “Công ty hiện đang xuất khẩu trái cây đi nhiều quốc gia nên việc bảo đảm nguồn nguyên liệu là rất quan trọng. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, nếu không có các giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã duy trì ổn định sản xuất thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành được đơn hàng, rất dễ mất uy tín và mất bạn hàng tiềm năng”.

Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, nếu đứt gãy trong sản xuất thì không chỉ thiếu hụt nguồn gạo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mà lâu dài  còn đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Do đó, cần thiết duy trì và thúc đẩy sản xuất ngay trong tâm dịch. Một trong những yêu cầu trước mắt, cấp bách là phải đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thời điểm này để kích hoạt sản xuất giai đoạn tiếp theo. Ðồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp chế biến đáp ứng đủ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 được hoạt động trở lại nhằm kích thích thu mua nông sản và giữ vững chuỗi sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa hè thu, khẩn trương xuống giống lúa thu đông theo lịch thời vụ. Việc nuôi, trồng thủy sản phải được lưu ý giữ ổn định diện tích, sản lượng để bảo đảm lượng hàng hóa cần thiết cho các nhà máy chế biến khi hoạt động đồng loạt trở lại. Các địa phương chủ động rà soát, triển khai kế hoạch sản xuất ngành nông nghiệp trong tình hình hiện nay, có tính đến thời gian bình thường mới.

Theo đó, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản song song với việc mở rộng diện tích, sản lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác của nhà thu mua, tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, phải tính đến mở rộng liên kết rải vụ thu hoạch để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất, hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả và các hoạt động thương mại khác có thể dẫn đến khan hiếm hoặc tăng giá cục bộ, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất cũng như lợi nhuận của nông dân.

Theo ÁNH TUYẾT (Nhân Dân)