Gỡ khó đầu ra nông sản

14/04/2020 - 06:33

 - Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản ở huyện Phú Tân (An Giang) đối diện nguy cơ khó khăn. Xoay sở tạm thời bằng các biện pháp giúp nông dân thu mua, sấy khô và tạm trữ là cách trước mắt các doanh nghiệp (DN) góp phần gỡ khó cho bà con khi đã vào thời điểm thu hoạch rộ. Tuy không thể giải quyết triệt để, nhưng nông dân vẫn được phần an tâm vì không có cảnh tồn đọng nông sản, chờ đợi người mua, thu hoạch đến đâu được thương lái mua đến đó.

Gỡ khó đầu ra nông sản

Lúa, nếp vẫn được doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, sấy khô để đón đầu cơ hội khôi phục kinh doanh

Gỡ khó đầu ra nông sản

Phơi ớt khô tạm trữ để chờ xuất khẩu

Nhiều vựa ớt trên địa bàn huyện Phú Tân đã tổ chức thu mua ớt tươi về phơi khô, vựa lại chờ thời điểm thích hợp để xuất khẩu. Ông Lê Văn Lập (chủ vựa ớt ở xã Phú An) cho biết, mỗi ngày, vựa của ông mua ớt tươi với giá 10.000-11.000 đồng/kg, cứ 3,5kg ớt tươi được 1kg ớt khô.

Ông Lập chia sẻ: “Mấy năm trước, vụ ớt thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 4, hiện nay, nông dân đã sản xuất liên canh nên mùa nào cũng có. Tuy nhiên, dạo trước người dân trồng chủ yếu bán trái tươi lên các tỉnh, thành phố lớn, chợ đầu mối hoặc xuất sang thị trường Campuchia. Còn bây giờ, do tình hình đầu ra bị “nghẽn”, người dân trồng được bao nhiêu đều bán hết cho vựa, giá cũng bị giảm mạnh. Hiện tại, mỗi vựa thu mua vài chục đến hàng trăm tấn, riêng kho của tôi hiện đã có 60 tấn, đang chờ lúc xuất bán”.

Việc làm này không chỉ giúp nông dân giải quyết bài toán ớt tươi đang rớt giá, khó tìm đầu ra mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ việc phơi ớt, những ngày này, bà Nguyễn Kim Phương (xã Phú Thọ) kiếm hơn 100.000 đồng/ngày.

Bà Phương cho biết, phơi ớt không quá vất vả, mỗi ngày làm 2 buổi, mỗi buổi chỉ 3 tiếng đồng hồ, canh từ 3-5 ngày cho ớt đủ độ khô thì cho vào bao. Với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng chị Trần Thị Bé Sáu cùng đi làm, đủ lo sinh hoạt và chuyện học của con, yên tâm phần nào cho những chi tiêu hàng ngày.

Không gặp khó khăn nhưng cho đến lúc bán được nếp nông dân mới dám thở phào nhẹ nhỏm, bởi theo dòng thời sự từng ngày, ai cũng lo thu hoạch xong không bán được, rớt giá. Ở huyện cù lao Phú Tân hiện nay, đã thu hoạch được hơn 15.000ha lúa và nếp đông xuân, chiếm 2/3 so diện tích xuống giống. Năng suất nếp đạt khoảng 7,07 tấn/ha, giá nếp tươi tại ruộng từ 5.600-6.000 đồng/kg.

Ghi nhận từ nông dân và các thương lái, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên những ngày qua giá nếp giảm nhẹ so với đầu vụ. Tuy vậy, giá bán hiện tại vẫn giúp nông dân có lời, phấn khởi hơn là trong tình hình dịch bệnh, nếp thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua đến đó.

Ông Trần Văn Tài (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thượng, xã Phú Thành) cho hay, giá cả không cao so mùa trước nhưng bà con vẫn chấp nhận, kết thúc vụ vẫn có lãi, thế là mừng. Còn theo nông dân Phan Văn Sương, những ngày qua theo dõi thời sự cũng khá lo lắng, ảnh hưởng dịch bệnh nhưng nếp không bị tồn đọng là vui rồi.

Hiện nay, bà con nông dân các xã: Tân Hòa, Phú Thành, Bình Thạnh Đông đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa, nếp đông xuân. Các thương lái cho biết, ngoài chất lượng lúa, nếp được khẳng định giúp đầu ra nông dân tại đây được ưu tiên thì từ đầu vụ, nhiều DN đã có hướng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan, các kho chứa tại DN được “giải phóng” một phần lượng dự trữ.

Dù đang có dịch bệnh nhưng đón đầu việc người dân trong và ngoài nước đều có nhu cầu vừa thu mua, vừa dự trữ nên các kho lúa, gạo đang mở cửa, đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nguồn cung, sẵn sàng tham gia xuất khẩu trong tháng 4 và 5. Việc tập trung thu mua lúa, nếp trong lúc này không lo mà sẽ là cơ hội để phục hồi doanh thu tốt hơn, cũng là cách hỗ trợ cho người nông dân.

Từ đầu vụ, huyện Phú Tân đã kêu gọi DN trên địa bàn thực hiện liên kết về tiêu thụ sản phẩm lúa, nếp của nông dân. Vụ đông xuân chỉ có 3 công ty ký hợp đồng 910ha, còn lại bán qua thương lái. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn một phần diện tích lúa, nếp chưa thu hoạch (trên 8.800ha), nông dân vẫn theo dõi tình hình thời sự để mong đầu ra khả quan, có giá hơn để mạnh dạn đầu tư sản xuất cho vụ mùa mới. Do đó, để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, về lâu dài vẫn cần tính toán cơ cấu lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

MỸ HẠNH