Hà Nội: Khuyến nông thúc đẩy sản xuất lớn, tạo sản phẩm sạch

18/01/2021 - 13:42

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức thực hiện 22 dạng mô hình tại 101 điểm với 1.242 hộ tham gia. Các mô hình đều được triển khai đúng kế hoạch, đạt kết quả theo mục tiêu và yêu cầu đề ra, được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng và tích cực nhân rộng.

Thúc đẩy sản xuất lớn

Một trong những mô hình nổi bật do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện trong năm qua là sản xuất 108.000 khay mạ để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Các khay mạ đảm bảo tiêu chuẩn, cứng cây, đanh dảnh và cấy máy đủ cho 400ha lúa vụ mùa năm 2020.

Ưu điểm của mô hình gieo mạ khay, cấy máy là giúp bà con nông dân giảm chi phí so với gieo mạ dược, cấy tay truyền thống từ 3.254.000 - 5.820.000 đồng/ha. Đây là cơ sở để phát huy vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp, thúc đẩy hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung...

Nhằm đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy các vùng sản xuất lúa hàng hóa, huyện Thanh Trì đã đầu tư áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa.

Trong năm 2020, tổng nguồn kinh phí Quỹ khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội quản lý có số dư 204,177 tỷ đồng. Năm 2020, Quỹ khuyến nông đã giải ngân được 75,183 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm.

Đi liền với các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, năm vừa qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch lúa vụ xuân, quy mô thực hiện 100ha (tương đương 600 tấn rơm rạ). 

Sau khi xử lý bằng chế phẩm, khoảng 2 tuần cơ bản rơm rạ trên đồng ruộng được phân hủy hoàn toàn thành phân bón hữu cơ, tạo mùn làm tơi xốp đất, tăng cường độ phì nhiêu, khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên ruộng lúa. Mô hình này được đánh giá tạo bền vững trong canh tác, bà con không mất công thu gom rơm rạ, không đốt bừa bãi, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, bên cạnh các mô hình điểm trong trồng trọt, đơn vị cũng triển khai thành công một số mô hình trong chăn nuôi, thủy sản. 

Có thể kể tới mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP quy mô 25ha, 36 hộ tham gia tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.

Theo đó, Trung tâm hỗ trợ 50% con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước, nông dân đối ứng phần còn lại. 

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp Công ty CP chứng nhận Globalcert tổ chức tập huấn, thu mẫu kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn người nuôi ghi chép, chăm sóc và phòng bệnh theo đúng quy trình sản xuất VietGAP. 

Kết quả kiểm tra, có 4 hộ được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đàn cá chép sinh trưởng phát triển tốt, cá đạt trung bình 1,05kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, cho năng suất trên 12 tấn/ha, lãi trên 90 triệu đồng/ha, cao hơn 10% so với cách nuôi thông thường.

Sau mỗi diễn đàn khuyến nông @, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối có cơ hội được kết nối, nhiều doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Hay như mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn, quy mô 50.000 con với 61 hộ tham gia. Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi cho các hộ nuôi (trong đó ngân sách hỗ trợ 50%, còn lại nông dân đối ứng). 

Sau 5 tháng nuôi, đàn gà trong mô hình sinh trưởng nhanh, đồng đều, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình đạt 96,1% (cao hơn dự toán 3,1%). Gà xuất bán đạt trọng lượng bình quân 2,2kg/con, cho lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/1.000 con.

Giúp tiêu thụ nông sản

Bà Hương cho biết, là địa bàn hàng năm sản xuất và tiêu thụ lớn lượng nông sản nên Trung tâm cũng chú trọng triển khai xây dựng mô hình nhà lạnh bảo quản nông sản. Theo đó, đơn vị đã phối hợp xây dựng 7 nhà lạnh tại 7 điểm ở Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Đan Phượng, Gia Lâm, Phúc Thọ. 

Các nhà lạnh giúp nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và rủi ro cho người sản xuất. Ngoài ra, khi có nhà lạnh, các chủ hộ chủ động được việc bảo quản nông sản nên đã mạnh dạn nhận đặt thêm nhiều đơn hàng.

Bên cạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội liên tục tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tại một số huyện như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai…; tổ chức 5 diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tại các diễn đàn đều thu hút sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học, HTX, chủ trang trại, gia trại, một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối…

Đơn cử như tại diễn đàn khuyến nông tổ chức ở huyện Ba Vì mới đây, đại diện 2 sản phẩm là cá của HTX Đồng Tâm - Phú Đông và rau của HTX Chu Quyến (xã Chu Minh) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm.

Ông Nguyễn Văn Sản ở thôn 10 xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) cho biết, gia đình ông có 3 mẫu rau, trước đây thường canh tác theo lối truyền thống, nhưng 7 năm nay được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập huấn cách trồng rau an toàn, rau sạch nên sản phẩm của gia đình ông đã nhận được hợp đồng liên kết sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả và thịt, cá, trứng với 4 đơn vị bộ đội ở huyện Ba Vì. Vì vậy, sản phẩm gia đình ông làm ra không chỉ được tiêu thụ tốt mà ông còn bắt tay với nhiều hộ khác trồng rau sạch để cung ứng đủ số lượng cho khách hàng.

Theo THIÊN HƯƠNG (Dân Việt)