Ký ức hào hùng
Gần 70 tuổi đời, trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng ông Phạm Phong Hải (hội viên Hội Cựu chiến binh TP. Châu Đốc) vẫn bồi hồi: “Trải qua 48 năm nhưng niềm vui thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước vẫn còn mãi trong tôi. Như bao người dân Việt Nam yêu nước, tôi vẫn thấy lòng mình hân hoan, rộn ràng, hạnh phúc đến vô cùng. Nhớ lại hôm ấy (ngày 30/4/1975), từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cờ giải phóng tung bay trên khắp các ngả đường, không khí rộn ràng, nhân dân hò reo, không ai bảo ai, mọi người xuống đường diễu hành, tiến ra trung tâm Châu Đốc mừng giải phóng đất nước”.
Kể cho chúng tôi nghe về không khí hân hoan, niềm vui “Bắc Nam sum họp một nhà”, giọng run run, bà Nguyễn Thị Nhiên (gần 80 tuổi, cựu thanh niên xung phong, ngụ TP. Long Xuyên) nói: “Tôi nhớ mãi không khí ngày hôm ấy, khi nghe tin giải phóng, nhà nhà reo hò, mọi người đổ ra đường, cầm cờ hô vang: “Nhiệt liệt, nhiệt liệt, nhiệt liệt! Hoan hô bộ đội giải phóng quân, hoan hô bộ đội giải phóng quân”. Tiếng trống tưng bừng, rộn ràng, tiếng hò reo mừng đất nước thống nhất, không có niềm vui nào bằng. Nhiều người không giấu niềm vui, hạnh phúc, nước mắt chực trào khi nghe tin chiến thắng”.
Cờ hoa, biểu ngữ khắp nơi mừng ngày 30/4
Sau khi miền Nam được giải phóng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thống nhất đất nước đã tạo điều kiện cơ bản để cả nước cùng đi lên CNXH, đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước, tạo thuận lợi và khả năng to lớn để đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 48 năm qua kể từ ngày 30/4 lịch sử, một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, non sông liền một dải đang ngày càng ổn định, phát triển và vươn lên. Đặc biệt, sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo, đất nước Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh… khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.
Khát vọng phát triển
Với khí thế quyết tâm kiến thiết, xây dựng quê hương phát triển, người dân An Giang khắp các nơi hăng say khai hoang, phục hóa, đào kênh mương làm kinh tế; nỗ lực quét sạch các thế lực thù địch, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa ngày càng ổn định. 48 năm trôi qua, vượt qua bao nhiêu gian khó, An Giang nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao
Trong những ngày cuối tháng 4, từ thành thị đến nông thôn, khắp các tuyến đường, con phố, ngõ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày trọng đại của đất nước. Sắc cờ đỏ sao vàng tràn ngập càng thêm tô thắm niềm tự hào dân tộc, thể hiện sự vươn mình mạnh mẽ của đất nước sau những năm gian khổ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Người dân An Giang cùng người dân cả nước hướng về ngày đại lễ với lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Hòa cùng sự phát triển của cả nước, An Giang đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đời sống người dân được quan tâm nâng chất. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, An Giang có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, được Trung ương khen ngợi, đánh giá cao.
Từ một tỉnh thiếu ăn, đến nay, An Giang đã xuất khẩu gạo khoảng 1,5 triệu tấn/năm; đột phá đi đầu về chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, cá basa và trở thành cái nôi cá tra của vùng ĐBSCL. An Giang còn là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2015-2020 đạt 5,25%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin: “Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 của tỉnh ước tăng 6,3% (năm 2022, GRDP tăng 4,09%). Quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực của tỉnh được mở rộng; hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch phục hồi, phát triển mạnh mẽ, doanh thu từ du lịch tăng 79% so cùng kỳ 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 đạt 285 triệu USD (tăng 7,27%)…”.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ ngày càng lớn hơn về phát triển kinh tế và chăm lo cuộc sống người dân, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh được chú trọng. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; quốc phòng - an ninh giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng… Từ đó, tạo sự tin cậy của cộng đồng đầu tư trong nước, quốc tế; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị các cấp.
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, trong giai đoạn tới, kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo vốn có, An Giang tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để gặt hái nhiều thành quả mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân tỉnh nhà và sự kỳ vọng của cả nước.
|
THU THẢO