Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia.
Theo Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Sau nhiều năm triển khai tìm kiếm, quy tập đã có hơn 900 nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập.
Tuy nhiên, theo thống kê số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập vẫn còn nhiều (khoảng 180 nghìn) và số lượng mộ liệt sĩ thiếu thông tin cần phải xác định danh tính còn lớn, độ khó cao (khoảng hơn 300 nghìn mộ liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được thông tin).
Công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, danh sách liệt sĩ, hồ sơ quy tập hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh còn nhiều bất cập và chưa được tổ chức thực hiện thống nhất, như thiếu thông tin nơi hy sinh, chôn cất ban đầu liệt sĩ, thông tin về quy tập liệt sĩ... Chiến tranh ác liệt kéo dài, thông tin về vị trí, tọa độ nơi chôn cất ban đầu liệt sĩ nhiều nơi chưa xác định được, nhất là mộ liệt sĩ tập thể, đó thật sự là những khó khăn “chồng chất” trong quá trình tìm kiếm, quy tập và trả lại tên cho các liệt sĩ.
Ngày về của các anh...
Hơn 40 năm sau ngày tiễn con trai vào chiến trường biên giới Tây Nam chiến đấu, vậy mà mãi đến những ngày cuối tháng 6/2022, trong cái nắng như đổ lửa, mẹ Bùi Thị Hính, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Sự (năm nay 92 tuổi) mới được ôm di cốt con bọc trong lá cờ đỏ thắm sao vàng vào lòng. Nhập ngũ tháng 8/1978, chia tay bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ, và phải sau hơn 43 năm hy sinh, liệt sĩ Phạm Văn Sự (hy sinh tháng 12/1978) mới được đưa trở về quê mẹ trong tình yêu thương của gia đình, quê hương, đồng đội.
Chỉ có trong tay giấy báo tử, sau nhiều năm gia đình hỏi thăm, đi tìm phần mộ của liệt sĩ nhưng không có thông tin. Đến tháng 6/2020, thông qua một cựu chiến binh, gia đình mới biết được mộ liệt sĩ Phạm Văn Sự được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Gia đình có nguyện vọng đưa liệt sĩ trở về quê hương.
Trong buổi đón nhận di cốt của con trai do Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam giúp đỡ, hỗ trợ làm thủ tục, mẹ Bùi Thị Hính (xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) âm thầm chấm từng giọt nước mắt khi thắp nén hương, rồi nói nhỏ trước ban thờ liệt sĩ: “Mong ước bao năm nay, cầu xin đưa được con về đến nơi, đến chốn. Mẹ chết rồi thì thong thả cũng được, nhưng bây giờ còn mẹ, chỉ mong con về, để mẹ con gặp nhau”...
Ngày 10/7 vừa qua, hàng nghìn cựu chiến binh, người dân xúc động khi dự lễ truy điệu và an táng 10 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc; và cũng phải hơn 40 năm sau Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang tìm kiếm được và cất bốc hài cốt các anh tại khu vực bình độ 400, ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Mẹ liệt sĩ Phạm Văn Sự thắp nén hương trong ngày đón con trai về lại quê hương. (Ảnh LAN VŨ)
Cựu chiến binh Lê Văn Thành (Hà Nội), người từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên ngậm ngùi khi chứng kiến lễ truy điệu và an táng hài cốt của đồng đội. Người cựu chiến binh ấy chỉ có một mong ước, tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo và đẩy nhanh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ “bởi trên những sườn núi cao, khe sâu tại các xã biên giới của huyện Vị Xuyên vẫn còn đồng đội của chúng tôi nằm lại; khí hậu biên giới khắc nghiệt, chậm ngày nào là cơ hội tìm thấy hài cốt liệt sĩ khó khăn ngày đó...!”.
Những nỗ lực của người ở lại
Khu vực bình độ 400 nêu trên trước kia là trận địa phòng ngự của bộ đội ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Tại đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nằm lại chiến trường.
Thượng tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết: “Trận địa bị vùi lấp, các liệt sĩ nằm sâu dưới lòng đất, khe đá, khiến công tác quy tập hài cốt gặp nhiều khó khăn. Nhưng anh em trong đơn vị xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng. Đồng đội, thân nhân các liệt sĩ mong ngóng từng ngày nên dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ”...
Trong ba tháng (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/2022), đội đã huy động gần 1.000 ngày công để tìm kiếm trên diện tích hơn 85 ha, đào bới gần 2.000 mét khối đất, đá. Kết quả đã quy tập được 10 bộ hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về nằm cùng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên.
Từ năm 2018 đến nay, đội đã tìm kiếm được 108 bộ hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang, trong đó có một mộ tập thể. Chiến tranh ác liệt, nhiều nghĩa trang riêng của các đơn vị bị pháo bắn phá, cày xới làm mất dấu tích, nhiều liệt sĩ hy sinh không lấy được thi hài. Khi chiến tranh kết thúc, một số đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị giải thể cho nên việc bàn giao mộ liệt sĩ còn chưa đầy đủ. Dọc tuyến biên giới Hà Giang, nhất là ở các điểm cao thuộc xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải, thuộc huyện Vị Xuyên vẫn còn hơn 1.400 liệt sĩ nằm lại chiến trường.
Năm 2020, tỉnh Hà Giang đã xây dựng đề án rà phá bom, mìn nhằm phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên diện tích 1.720ha tại các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên).
Thượng tá Thào Mí Dính, Đội trưởng Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: “Xác định đây là khu vực còn nhiều liệt sĩ nằm lại chiến trường, trong giai đoạn 2021-2025, Đội đã và sẽ tập trung tìm kiếm trong phạm vi đã được rà phá bom, mìn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ sử dụng các phương tiện hiện đại tại những địa điểm thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”.
Mới đây, ngày 22/7, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trang trọng tổ chức lễ cải táng cho 63 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Đây là những liệt sĩ chưa xác định được thông tin qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia và trong nước do Đội K90, Quân khu 9 và Đội K93, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang quy tập trong mùa khô 2021-2022.
Thượng tá Lê Đắc Thoa, Chính trị viên Đội K93, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang cho biết: 22 năm trước, Đội K93 được thành lập, trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng đó là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia và trên địa bàn tỉnh An Giang qua cácthời kỳ.
Dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đội K93 luôn xác định quyết tâm, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Tại Campuchia, Đội K93 đã tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại 89/100 xã thuộc 10 huyện; đã quy tập hồi hương được 1.987 bộ hài cốt liệt sĩ và trong đó xác định danh tính được 250 hài cốt. Còn trong nước, Đội tìm kiếm trên địa bàn 28 xã của ba huyện đã tìm kiếm quy tập được 1.340 hài cốt liệt sĩ, xác định được danh tính 134 hài cốt...
Hành trình đi tìm đồng đội ở trong nước vốn đã gian nan thì việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia lại càng khó khăn hơn. Để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia, các Đội quy tập: K51 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk), K52 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai), K53 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum) cứ đến mùa khô, khoảng từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, lại lên đường sang đất bạn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.
Tuy được trang bị khá nhiều phương tiện, máy móc hiện đại nhưng trong thực tế bộ đội chủ yếu vẫn phải hành quân bộ và đào bới thủ công. Bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, nhiều sông suối, chủ yếu rừng rậm, núi non hiểm trở; mộ liệt sĩ nằm rải rác, xa khu dân cư, khó phát hiện, phần lớn không có sơ đồ mộ chí, các dấu vết để xác định vị trí mai táng hầu như không còn, nguồn tin thu thập độ chính xác không cao… Mùa khô trên đất bạn nhiệt độ trung bình từ 38-40 độ C, vào mùa mưa thì mưa mịt mùng, lũ ống, lũ quét bất ngờ, hung dữ.
Những năm gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia kiểm soát chặt chẽ cho nên việc xuất nhập cảnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…
Từ những nỗ lực, bền bỉ ấy đã giúp hàng trăm nghìn gia đình thỏa nguyện, được thăm viếng chăm sóc, hương khói, được đón các anh, các chị trở về sau hàng chục năm khắc khoải, tìm kiếm. Theo thống kê, từ sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước 1975 đến 1992, nước ta đã tìm kiếm, quy tập được 767 nghìn hài cốt liệt sĩ.
Để đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giai đoạn từ năm 2012-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013, số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đến năm 2020; Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 10/5/2018 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Kết quả từ năm 2013 đến năm 2020, đã tìm kiếm quy tập được 16.960 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước 8.201, ở Lào 2.612, ở Campuchia 6.147); đã tiếp nhận 38.217 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ, phân tích ADN được 23.355 mẫu, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được 4.134 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được 2.761 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được 1.373 trường hợp)…
Mong mỏi có ngân hàng gene lưu trữ
Với khoảng 180 nghìn hài cốt cần phải tìm kiếm, quy tập và khoảng 300 nghìn mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, cho thấy, công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ đang chạy đua với thời gian, trong sự mong đợi của thân nhân các liệt sĩ.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là người đã có nhiều chuyến lặn lội sang đất bạn Lào để tìm hài cốt của đồng đội, trăn trở: Ngày nào chúng tôi cũng tiếp thân nhân gia đình liệt sĩ và thấm thía nỗi buồn chiến tranh để lại khó nguôi ngoai.
Nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ trong vô vọng khi trong tay giấy báo tử chỉ ghi “hy sinh ở mặt trận phía nam”: không tên đơn vị, không địa điểm, không biết hy sinh cụ thể ở đâu… Hài cốt liệt sĩ mà tồn tại được trong 40, 50 năm là rất khó. Nếu không khẩn trương, không tìm nhanh thì làm sao trả lại tên cho các anh?
Hiện nay, công tác thực chứng thuận lợi hơn giám định ADN. Muốn giám định và đối chiếu ADN thì trước tiên phải lấy mẫu phẩm từ hài cốt và thân nhân gia đình liệt sĩ. Thế nhưng, nhiều mộ liệt sĩ khi khai quật không thể lấy được mẫu phẩm vì xương đã mủn hết, có những mẫu phẩm của liệt sĩ rõ nhưng thân nhân không còn cho nên cũng đành phải để lại, không đối chiếu được.
“Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm chỉ đạo xây dựng “Ngân hàng gene,” với sự tham gia của các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu chiến binh các tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ các tỉnh...” -Trung tướng Hoàng Khánh Hưng kiến nghị.
Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó đã đặt ra mục tiêu trong công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 là: Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN với số lượng 20 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Từ năm 2031 trở đi: Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tiếp tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Với tất cả trách nhiệm và sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.
Theo Nhân Dân