Hiểm họa từ việc thả rông chó nuôi

16/08/2023 - 06:52

 - Việc nuôi thú cưng nói chung, nuôi chó nói riêng để giữ nhà, làm cảnh hay bầu bạn trong gia đình ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, người nuôi vẫn còn lơ là trong quản lý chó, gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Nguy hiểm rình rập

Khu vực nông thôn đất trống người thưa, mỗi gia đình thường nuôi ít nhất 1 con chó để giữ nhà. Thói quen của bà con là để chúng tự do sinh hoạt, đi lại, không hề bắt chúng dùng rọ mõm. Vì thế, chó thả rông trở thành vấn nạn “tuy nhỏ mà lớn”.

Nhắc đến, anh Nguyễn Ngọc Thiện (ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới) vẫn chưa hết ám ảnh. Anh mua bán nông sản, thường xuyên “đi sớm, về khuya”: Từ nhà đến TP. Long Xuyên mua hàng, mang về chợ địa phương bán kiếm lời. Trên đường di chuyển, vài lần anh Thiện thót tim, vì chó bất ngờ chạy ngang đường. Có lúc, vì né “vật cản”, không làm chủ tay lái, anh Thiện gặp tai nạn, rất may không ảnh hưởng đến tính mạng.

Về đến trung tâm huyện, thị xã, thành phố, không khó bắt gặp hình ảnh những chú chó lang thang ngoài đường. Điều này càng tiềm ẩn nguy cơ chó tấn công người và mất an toàn giao thông, vì mật độ người, xe rất đông đúc.

Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, mới đây, trong lúc đi làm về bằng xe gắn máy, bỗng một con chó băng ngang đường. Dù chạy tốc độ không cao, nhưng gặp tình huống bất ngờ, chị Liên mất thăng bằng, bị ngã. Bản thân chị xây xát nhẹ, con chó nhanh chóng chạy đi. Sau vụ việc, chị luôn lo lắng khi đi ngang tuyến đường đó.

Thả rông chó gây nhiều nguy hiểm với người đi đường

Ngoài ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, việc dắt chó, thả chó đến nơi công cộng để chúng phóng uế cũng phổ biến. Hành vi gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, nhưng hầu như chưa ai bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại khu nhà trọ, tình trạng nuôi chó mà bỏ mặc chúng vệ sinh bừa bãi xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Anh Trần Văn Thanh (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mỗi sáng, tôi thường chạy bộ ở công viên, chứng kiến những con chó thả rông phóng uế bừa bãi. Ngoài làm ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành ở công viên, không ít người vô tình đạp phải. Gặp những con chó to, hung dữ, tôi tránh xa cho an toàn”.

Nâng cao ý thức

Những nguy hiểm, bất cập từ việc nuôi chó thả rông đã được ngành chức năng cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền từ nhiều năm với nhiều bài học, sự việc đau lòng. Song, tình trạng này cuối cùng vẫn “đâu lại vào đấy”.

Hiện nay, pháp luật quy định xử lý vi phạm trong việc quản lý thú nuôi: Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế nơi công cộng; để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác; không tiêm vaccine phòng dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…

Nhưng thực tế, quá trình xử phạt gặp nhiều khó khăn, do thiếu nhân lực. Ngoài ra, nhiều hộ vẫn không tự giác đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại đầy đủ. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở, gây tai nạn giao thông thì phải tự chịu chi phí điều trị, khắc phục hậu quả, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi. Nếu xác định được, yêu cầu bồi thường gần như bất khả thi.

Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thú cưng cần có biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh. Cụ thể, nuôi chó phải xích hoặc nhốt trong chuồng; khi dắt chó đi dạo phải đeo rọ mõm, người dắt đủ tuổi thành niên… để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, người nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine dại, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình…

Theo khuyến cáo từ ngành chức năng, trường hợp người dân bị chó cắn, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dại. Trước hết, cần rửa thật kỹ vết thương bằng xà bông và các chất sát khuẩn để diệt virus dại. Hạn chế làm dập nát vết thương. Bên cạnh đó, phải tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại tại cơ sở tiêm chủng. Người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị càng sớm càng tốt…

 

MINH ĐỨC