Hiệu quả các mô hình lấy ngắn nuôi dài

17/03/2022 - 06:22

 - Thời gian qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân ở các địa phương thực hiện với đa dạng các mô hình, như: Lập vườn trồng cây ăn trái từ đất lúa kém hiệu quả, cho đến chuyển đổi đất vườn tạp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao... Trong quá trình chuyển đổi đó, nhiều nông dân đã lựa chọn trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày để vừa tận dụng tối đa diện tích đất trồng, hạn chế cỏ dại, lấy ngắn nuôi dài, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài giúp nông dân thu được hiệu quả kinh tế

Diện tích đất vườn của anh Hồ Thanh Nam (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) được trồng xen canh nhiều loại cây trồng, như: Vú sữa hoàng kim, bưởi, dâu da xanh, cóc Thái… Với cách làm này, nhà vườn đa dạng được chủng loại cây trồng, vụ mùa nào cũng có trái cây để thu hoạch cung ứng ra thị trường. Theo anh Nam, chỉ sau 6 tháng trồng, cóc Thái đã bắt đầu cho thu hoạch và cho trái quanh năm, chưa hết đợt trái này đã bắt đầu ra hoa chuẩn bị cho đợt trái tiếp theo. Nhờ vậy, giúp nông dân có thêm thu nhập trong lúc chờ những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, ngoài việc bán trái tươi, anh Nam còn phát triển thêm sản phẩm cóc sấy dẻo, một sản phẩm đã đưa ra thị trường, được khách hàng gần xa đón nhận. Trong vườn của anh Nam hiện có trên 1.000 cây cóc Thái đã bắt đầu cho thu hoạch, đây cũng chính là nguồn nguyên liệu cho sản phẩm cóc sấy dẻo, giúp nâng cao giá trị kinh tế của cây cóc Thái. “So với nhiều loại cây trồng khác thì cây cóc Thái khá dễ trồng. Trong quá trình canh tác, cũng cần bón phân, tưới thuốc dưỡng, thuốc trừ sâu gây hại. Tuy nhiên, lượng sử dụng rất ít và không thường xuyên. Quan trọng nhất là đảm bảo nước tưới đầy đủ là cóc Thái sẽ cho trái nhiều và tốt”- anh Nam chia sẻ.

Thời gian gần đây, anh Nam còn liên kết với nông dân trong và ngoài huyện Thoại Sơn để phát triển diện tích cóc Thái. Vì kết nối được với đầu mối thu mua cóc tươi nên anh Nam liên kết với nông dân đang tìm cây trồng để chuyển đổi kinh tế. Anh Nam cho biết, cóc Thái là cây trồng được nông dân trồng xen vào các loại cây khác, như: Bưởi, mít Thái, xoài… vì thời gian cho thu hoạch nhanh, lại không tốn quá nhiều công chăm sóc. Với cách làm này, nhà vườn có thể tận dụng tối đa diện tích đất trồng, hạn chế được cỏ dại, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khi liên kết với nông dân, anh Nam nhận cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật đến khi cho trái thì thu mua theo giá thị trường. Hiện nay, tại khu vực huyện Thoại Sơn, anh Nam sẽ hỗ trợ 50% chi phí cây giống cho nông dân trồng cóc Thái.

“Tuy nói trồng cóc thái là lấy công làm lời nhưng nếu tính kỹ thì kinh tế cũng tốt lắm. Thời điểm dịch COVID-19, so với mít, cam, chanh, xoài thì cóc Thái đem lại lợi nhuận nhiều hơn vì có thể cho trái nhiều đợt trong năm. Giá cả thì cũng dao động theo thị trường, từ 2.000 - 7.000 đồng/kg, khi đủ sức có thể thu hoạch từ 30 - 50kg/cây. Nếu để lấy ngắn nuôi dài thì trồng xen cóc Thái là một lựa chọn phù hợp”- anh Nam cho hay. Hiện nay, anh Nam đã liên kết tiêu thụ 5.000 cây cóc Thái, với diện tích trên 5,5ha.

Thời điểm gần cuối năm 2020, anh Trần Văn Đức (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) đã chuyển đổi diện tích đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang lập vườn trồng mít Thái. Trong thời gian đợi mít cho trái, tận dụng khoảng đất nền trống, anh Đức trồng thêm các loại cây trồng ngắn ngày như dưa gang để tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Anh Đức cho biết, khi lên liếp trồng cây mít Thái, gia đình đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm nước, công lao động. Nhờ vậy, khi trồng dưa gang nhẹ công chăm sóc, nước tưới đầy đủ nên dưa gang nhanh phát triển, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất cao. Vì là đất mới lên liếp nên dưa gang vừa trồng xuống là bắt đất phát triển nhanh và tốt, tầm khoảng 2-3 tháng là ra hoa và cho trái.

“Dưa gang cho thu hoạch liên tục, giá bán dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, tuy không phải quá cao nhưng năng suất lại đạt, đủ cho cả gia đình trang trải trong khi chờ đợi mùa mít chín. Hiện giờ, mít lớn, tán cây to, có độ che phủ nên không trồng dưa gang được, bù lại đã bắt đầu cho thu hoạch trái lai rai. Thời điểm ban đầu, nhờ lấy ngắn nuôi dài, có thêm kinh phí mua phân bón để canh tác cây mít hiệu quả hơn”- anh Đức chia sẻ.

Trên bờ trồng xen nhiều loại cây trồng, dưới mương anh Đức thả nuôi cá và thêm ý tưởng nuôi ốc bươu đen trong môi trường tự nhiên. Chỉ cần nhạy bén, nắm bắt trong sản xuất là nông dân sẽ có thêm lợi nhuận. Tuy là cây trồng phụ nhưng nguồn thu đem lại ở nhiều hộ gia đình có thể lên đến chục triệu đồng, giúp trang trải sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất dài lâu. Tuy nhiên, để không cản trở đến quá trình phát triển của cây ăn trái chủ lực, trước khi chọn lựa xen canh cây trồng ngắn ngày, nông dân nên tìm hiểu và lựa chọn kỹ, canh tác với hình thức phù hợp để nâng cao thu nhập và hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng.

ÁNH NGUYÊN