Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách

03/08/2023 - 06:38

 - Đầu năm 2023 đến nay, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần tích cực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp trong tỉnh chỉ đạo NHCSXH cùng tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến quy định về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, giải ngân kịp thời nguồn vốn, gắn hoạt động giải ngân với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách…

Tổng nguồn vốn đạt 4.396 tỷ đồng, tăng hơn 260 tỷ đồng so đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương tăng gần 214 tỷ đồng và địa phương tăng gần 49 tỷ đồng, đạt 98% chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2023. Đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 4.380 tỷ đồng (tăng 6,2%). Hơn 150.721 hộ còn dư nợ; bình quân dư nợ 29,1 triệu đồng; hoàn thành 98% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2023…

Người dân đến giao dịch vay vốn

Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 18.171 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số cho vay 615 tỷ đồng. Cụ thể: Cho vay mới 225 lượt hộ nghèo; 2.012 lượt hộ mới thoát nghèo; 1.145 lượt hộ cận nghèo; 1.012 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 10.891 lượt khách hàng cho vay hỗ trợ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; 2.281 lượt khách hàng giải quyết việc làm; 419 lượt hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; 101 lượt khách hàng xuất khẩu lao động; 11 lượt khách hàng vay mua nhà ở xã hội; 74 lượt khách hàng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Các hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên giám sát việc bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; việc sử dụng vốn của hộ vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, đôn đốc trả nợ, trả lãi. Đồng thời, tích cực nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn tỉnh. Toàn chi nhánh hiện có 3.159 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, 2.411 tổ xếp loại tốt (tỷ lệ 76,3%); 514 tổ xếp loại khá (tỷ lệ 16,3%).

Về công tác quản lý và xử lý nợ, NHCSXH nơi cho vay chủ động thông báo nợ đến hạn kỳ cuối trước 3 tháng để khách hàng có kế hoạch trả nợ. Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của hộ vay có nợ đến hạn trong năm, nợ quá hạn, nợ khoanh hết hạn; chủ động phân loại nợ, phối hợp với các bên liên quan đôn đốc, xử lý nợ theo quy định.

Đặc biệt, tập trung xử lý nợ hộ vay đi làm ăn xa, bỏ đi khỏi nơi cư trú trở về, nhất là dịp lễ, Tết; xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. 6 tháng đầu năm 2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 151 tỷ đồng (tỷ lệ 3,4% trên tổng dư nợ). Trong đó, nợ quá hạn 25,2 tỷ đồng (tỷ lệ 0,6%), nợ khoanh 125,5 tỷ đồng (2,9%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị: “Từ nay đến cuối năm 2023, các cấp, ngành là thành viên ban đại diện NHCSXH, hội, đoàn thể nhận ủy thác và NHCSXH tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trọng tâm là tập trung nguồn lực ủy thác sang NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn, nhất là các nội dung mới đến mọi tầng lớp nhân dân, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác đối với tổ chức chính trị - xã hội; dự án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2023. Đặc biệt, thực hiện tốt việc công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đưa nguồn vốn đến với hộ chính sách; theo dõi xử lý nợ đến hạn kịp thời, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh…

TRUNG HIẾU